Người bác sỹ tận tâm với nghề Ngày đăng: 21/05/2024
Thầy thuốc chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân bình thường đã khó, chữa trị cho những học viên cai nghiện ma túy lại càng gian nan gấp bội. Vậy mà bác sĩ Phan Tú Long, Trưởng phòng Y tế phục hồi sức khỏe, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội (thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã có hơn 23 năm gắn bó với công việc này.

 

 

 

 

Coi người nghiện như người thân

Gặp anh ở phòng Y tế phục hồi sức khỏe, người đàn ông đã ngoài tứ tuần, dáng người to cao, gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ chân chất sau khi anh vừa hoàn thành một ca khám bệnh cho một học viên. Trong màu áo trắng của người thầy thuốc, anh tươi cười nói với tôi rằng: “Làm việc trong môi trường có nhiều đặc thù, thường xuyên phải tiếp xúc với những người nghiện ma túy là một lựa chọn không hề dễ dàng. Song, trong thời gian làm việc ở đây, được trực tiếp nghe và chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau lòng của những gia đình có người thân nghiện ma túy, anh quyết định gắn bó với nghề mà mình đã lựa chọn, mong muốn góp một phần công sức của mình giúp đỡ người nghiện khôi phục sức khỏe, sớm quay lại với cuộc sống đời thường”, anh Long trải lòng.

Anh Phan Tú Long, sinh năm 1976, quê thị xã Sơn Tây, Hà Nội, tốt nghiệp Trường trung cấp Quân y 1 (nay là Học viên Quân y) ngành y sĩ đa khoa (năm 1997) với nhiều cơ hội việc làm và với mức thu nhập tốt ở các bệnh viện lớn tại Hà Nội; nhưng đáp lại tất cả những thuận lợi đó anh lại chọn đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự (năm 1998) đến năm 2000 anh xuất ngũ về địa phương; đến tháng 8 năm 2001 anh trúng tuyển và vào làm việc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội số 1 Hà Nội, nay là Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội;

Trải qua hơn 23 năm công tác tại môi trường đặc thù này anh đã kinh qua nhiều công việc từ y sĩ, bác sĩ đa khoa đến những việc khác ngoài chuyên môn anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh kể với giọng xúc động: “Hồi mới về đây làm việc, anh là y sĩ nhưng anh em trêu đùa là “y sĩ kiêm bác sĩ” mà cũng thế thật, vì công việc buộc mình phải trở thành bác sĩ đa khoa, từ tiêm, khâu vết thương, đến trực cấp cứu, cứ tất bật một mình đóng vai trò y sĩ lẫn bác sĩ như vậy”. Năm 2003, anh được cơ quan cử đi học lớp chuyên tu ở Học viên Quân y, ngành bác sĩ đa khoa và đến năm 2007 anh tốt nghiệp và chính thức “lên chức” bác sĩ.

Bác sĩ Phan Tú Long khám và điều trị bệnh cho học viên

Nhằm ghi nhận những cống hiến hết mình, tận tâm chăm sóc sức khỏe, cắt cơn, giải độc và điều trị cho người cai nghiện một cách an toàn, hiệu quả, năm 2008 anh được lãnh đạo và tập thể cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội tín nhiệm đề bạt giữ chức Phó trưởng phòng Y tế phục hồi sức khỏe và đến năm 2010 anh tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Trưởng phòng Y tế phục hồi sức khỏe cho đến nay.

Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội là cơ sở có chức năng cai nghiện ma túy bắt buộc, nên đa phần các học viên đều “cứng đầu” và “khó bảo”, trong khi đó tỷ lệ người ngoài tỉnh chiếm hơn 60% so với người Hà Nội. Nhiều học viên ở ngoài đời là những tay anh chị cộm cán, có máu mặt với nhiều tiền án, tiền sự …nên thường tỏ thái độ thách thức, gan lì, không chịu hợp tác, hoặc có những học viên “bất mãn” do không được sự quan tâm của gia đình, người thân, do đó thường có biểu hiện bức xúc về tâm lý, thậm chí là có tư tưởng bỏ trốn, tự hủy hoại bản thân hoặc có các hành vi tiêu cực khác.

Chính vì vậy, những y, bác sĩ như anh Long phải kiên trì, từ từ cảm hóa, tư vấn, giáo dục để họ sớm vượt qua giai đoạn đầu của quá trình cai nghiện điều trị. “Cắt cơn cai nghiện là giai đoạn khó khăn nhất trong tất cả các giai đoạn học viên điều trị ở đây, người nghiện họ phải chịu đựng cả về thể xác lẫn tinh thần, trước đây, họ quen sống tự do, giờ phải ở trong phòng khiến họ vốn đã bức rứt vì thiếu thuốc, vì thế nhiều học viên trở lên hung hãn, ảo tưởng, họ dùng tất cả những thứ trong tầm tay để tấn công y, bác sĩ chăm sóc hoặc tự hủy hoại bản thân, họ gào thét, vật vã… do thèm ma túy, những lúc như thế anh em y tế vô cùng vất vả”, anh Long chia sẻ.

Thầy thuốc tìm đến học viên

Với quan điểm “Thầy thuốc tìm đến học viên chứ không phải học viên tìm đến thầy thuốc” nên bên cạnh các trường hợp cấp cứu từ dưới các đội báo lên thì ngày nào các y, bác sĩ ở đây cũng tìm đến từng phòng để thăm, khám và phát thuốc cho anh em học viên, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thăm hỏi sức khỏe của học viên.

Hiện nay Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội đang duy trì hai đội quản lý với tổng số hơn 400 học viên đang cai nghiện ma túy bắt buộc, tính ra trung bình, anh Long và các y, bác sĩ ở đây phải khám cho 20-30 học viên/ngày. Đó là chưa kể luôn luôn có 15-30 học viên đang cắt cơn, đang xác định tình trạng nghiện ma túy và điều trị bệnh tại phòng Y tế.

Ngoài ra, các anh phải thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, hướng dẫn và điều trị cho những học viên bị HIV/AIDS, Lao phổi, viêm gan B, C…khi được hỏi “liệu các anh có sợ bị lây nhiễm không, bặc biệt là HIV/AIDS?”, anh tươi cười chia sẻ “Thực ra người ta không sợ AIDS, mà chỉ sợ thiếu hiểu biết. Khi chúng ta đã xác định được con đường lây nhiễm thì sẽ làm việc yên tâm hơn, anh em y tế đã xác định điều này vì thế khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân gần như là không có, thậm chí anh em còn khám trực tiếp bằng tay, không dùng găng tay”.

Với công việc mang tính chất đặc thù, những ngày thường, thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái của các y, bác sĩ cơ sở cai nghiện vốn đã ít, vào các dịp lễ, tết lại càng hiếm hoi hơn; bởi vào những dịp lễ, tết công việc của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ y tế nói riêng càng căng thẳng, vất vả hơn so với những ngày bình thường, đặc biệt là những ngày lễ, ngày tết học viên thường hay có tâm lý dễ nổi loạn, gây mất an ninh, trật tự dẫn đến bao loạn, xô xát... Vì thế, bên cạnh việc tăng cường lực lượng xuống từng phòng, đội theo dõi tình hình thì các y, bác sĩ cũng sẵn sàng dụng cụ y tế và cơ số thuốc để ứng cứu kịp thời khi cần thiết.

“Như em biết đấy, nếu hậu phương không vững chắc, không thấu hiểu và không cảm thông thì anh em ở đây không an tâm làm việc và gắn bó lâu dài được, nhiều anh em không trụ được phải xin nghỉ việc; cũng may bà xã anh hiểu, luôn chia sẻ, động viên cũng như thông cảm cho công việc của anh, thay anh chăm sóc và nuôi dạy con cái, chính vì thế anh mới toàn tâm, toàn ý gắn bó với nghề nghiện đến bây giờ em ạ” anh Long chia sẻ thêm.

Qua tâm sự và trao đổi với anh Phan Tú Long, người bác sĩ cần mẫn, hàng ngày vẫn đều đặn kiên trì tư vấn, bảo ban, chia sẻ, gần gũi và vẫn hàng ngày thăm khám, chữa bệnh cho học viên, tôi cảm nhận ở anh: Dù biết phía trước còn bao khó khăn, áp lực và muôn vàn hiểm nguy nhưng chưa lúc nào các y, bác sĩ ở môi trường đặc thù này nản lòng, chùn bước. Họ vẫn luôn vững vàng trên trận tuyến thầm lặng của người thầy thuốc. Các y, bác sĩ nơi đây đã và đang lặng lẽ viết lên bài ca đẹp về tình người, cách đối xử nhân văn với những người từng một thời lầm đường lạc lối, giúp họ sửa mình, giúp họ khỏe mạnh để sớm trở về đoàn tụ với gia đình, người thân, hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

Ông Nguyễn Ái Học, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội nhận xét:  Bác sĩ Phan Tú Long rất nhiệt tình, thể hiện hết lương tâm nghề nghiệp, bởi sự tận tụy, chăm lo khám và điều trị bệnh cho học viên như chính người thân, con cháu trong nhà. Thậm chí có những lúc học viên phải chuyển viện không có người thân thì bác sĩ Long trở thành người thân của họ. Với tính chất đặc thù của môi trường cai nghiện các y, bác sĩ phải thường xuyên tiếp xúc với những học viên nghiện ma túy, những học viên nhiễm HIV/AIDS, Lao…nhiều áp lực căng thẳng là một lựa chọn không dễ dàng đối với những người theo học ngành y nhưng với bác sĩ Long và hơn hết với vai trò là một Trưởng phòng chuyên môn đồng chí vẫn luôn nhiệt tình giúp đỡ các anh em đồng nghiệp nhất là những y, bác sĩ trẻ mới về đơn vị. Bên cạnh đó, bác sĩ Long vẫn không ngừng học tập để đem kiến thức mới chăm sóc tốt cho sức khỏe của học viên.

Nguyễn Văn Nho (Chi cục PCTNXH Hà Nội)