Trắng tay vì ma túy
Nhấp ly tách trà nóng, ông Chương từng bước kể lại câu chuyện về những ngày tháng không lối thoát của mình.
Vào giữa năm 1990, ông rời quê hương Nghệ An vào huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Lắk (nay là tỉnh Đắk Nông) để tìm cơ hội lập nghiệp. Không lâu sau đó, ông Chương nên duyên vợ chồng với bà Ngô Thị Xuân (SN 1966, trú tại xã Ea Pô), một giáo viên của một trường THCS trên địa bàn xã Ea Pô.
Sau đó, do không có công ăn việc làm ổn định, ông Chương đã cùng bạn bè vào sâu trong rừng tại một huyện tỉnh Đắk Lắk để đào vàng trái pháp luật. Những ngày tháng sống kham khổ giữa rừng sâu, xa cách gia đình, người thân, ông đã bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập ma túy.
“Trong thời gian đi đào vàng trong rừng, tôi bị bạn bè rủ rê, lôi kéo hút thuốc phiện “cho khỏe”. Thế nhưng, tôi không ngờ được, mình đã sa vào “bẫy” của “cái chết trắng” từ lúc nào không hay”, ông Chương nói.
Bà Ngô Thị Xuân không khỏi nghẹn ngào khi nhớ lại thời điểm biết chồng mình là một “con nghiện”. Bà kể: “Vào khoảng năm 1994, sau khi sinh đứa con thứ 2, tôi mới hay biết chồng mình bị nghiện ma túy. Dù buồn tủi, thất vọng nhưng tôi vẫn cố gắng kìm nén cảm xúc của mình và hết lời khuyên ngăn chồng tìm cách đoạn tuyệt với ma túy. Thế nhưng, lúc đó, ông ấy đều bỏ ngoài tai những lời khuyên, động viên của gia đình và cuốn vào vòng xoáy của ma túy”.
Những năm sau đó, ông Chương đã dần tiêu tán toàn bộ tài sản, của cải của gia đình tích lũy được qua nhiều năm lao động chỉ vì nghiện ngập ma túy.
“Gần 17 năm nghiện ma túy, tôi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây tổn hại cho gia đình, vợ con. Cả gia đình có hơn 10ha đất rẫy đều bị tôi “nướng” vào ma túy. Đến khi trong nhà không còn gì để bán nữa, tôi luôn thường trực ý nghĩ bất chấp, sẵn sàng vi phạm pháp luật để có tiền thỏa mãn những cơn thèm thuốc. Những ngày tháng đó, cơn nghiện đã hoàn toàn thao túng lý trí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của tôi”, ông Chương nói.
Từ năm 2001, ông Chương đã nhiều lần được đưa đi cai nghiện bắt buộc. Sau mỗi lần trở về từ các cơ sở cai nghiện, chứng kiến cảnh vợ con nheo nhóc, sống trong thiếu thốn, ông Chương ý thức được tội lỗi do mình gây ra. Thế nhưng, chỉ ngay sau đó, ông lại tiếp tục sa đà vào những cám dỗ của ma túy.
Nhớ lại những ngày tháng tăm tối của gia đình, đôi mắt bà Xuân ngấn lệ. Bà Xuân kể: “Khi không có tiền, ông ấy liền chửi bới, đánh đập tôi. Lúc đó, tôi chỉ biết bỏ chạy để thoát thân. Thế nhưng, có những lần, không chạy kịp nên tôi bị ông ấy đánh ngã gục tại chỗ.
Sau mỗi lần đi cai nghiện trở về, ông ấy lại hứa sẽ lo cho con cái, gia đình nhưng rồi lại sa đà trở lại. Với tư cách là một giáo viên, tôi rất xấu hổ, tủi thân khi chồng lao vào cảnh nghiện ngập không có lối thoát. Nhiều lần, tôi có ý định ly hôn nhưng vì thương các con, tôi lại cố gắng duy trì mái ấm gia đình. Trong suốt thời gian đó, tôi chỉ biết khép mình lại, sống trong im lặng và cố gắng kiếm tiền để nuôi 3 con ăn học”.
Quyết tâm vượt qua lỗi lầm để làm lại cuộc đời
Tưởng chừng cuộc đời của ông Chương đã đi đến ngõ cụt nhưng không ai ngờ được người đàn ông nhỏ bé này đã vượt qua những thách thức để làm lại cuộc đời và trở thành tấm gương sáng cho nhiều người dân địa phương.
Ông Chương chia sẻ: “Vào năm 2007, tôi trở về với gia đình sau khi nghiện lần thứ 3. Giây phút đó, tôi mới thấm thía những mất mát, vất vả của vợ con khi người đàn ông trụ cột gia đình như tôi lâm vào cảnh nghiện ngập. Hình ảnh đầu tiên khiến tôi không khỏi xót xa là sau bao nhiêu năm lao động vất vả nhưng lúc đó vợ tôi chỉ có mỗi chiếc xe đạp cà tàng, không phanh để làm phương tiện đi lại. Các con của tôi cũng sống trong mặc cảm, tự ti chỉ vì tôi là một “con nghiện”. Ấy vậy mà, vợ và các con không hề ruồng bỏ mà luôn động viên tôi cố gắng tránh xa ma túy để làm lại cuộc đời”.
Cảm phục trước những hy sinh lớn lao của vợ và các con, ông Chương đã bỏ mặc sự kỳ thị của mọi người xung quanh, quyết tâm bước ra khỏi “vực sâu” của ma túy và tìm kiếm công việc hợp pháp để kiếm tiền phụ giúp gia đình và bù đắp cho những thiệt thòi mà vợ và các con phải gánh chịu.
Với sự động viên, giúp đỡ của gia đình, người thân và các cơ quan chức năng, ông Chương đã dần vượt qua những ám ảnh của quá khứ, xây dựng lại niềm tin và trách nhiệm với bản thân, gia đình cũng như cộng đồng.
Từ làm bảo vệ cho công ty, ông Chương chăm chỉ làm đủ thứ việc nặng nhọc như: bán bún, tráng bánh cuốn, bán bún, bán phở, đến công việc ấp gà, vịt... Không chỉ vậy, ông còn học thêm nghề làm thợ mộc để nâng cao tay nghề đã được học trong thời gian ở cơ sở cai nghiện. Sau đó, ông về nhà mở cơ sở làm đồ gỗ, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, với số tiền khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.
“Tôi biết ơn những người đã giúp đỡ, động viên tôi vượt qua quá khứ đen tối. Nếu không được quan tâm, chia sẻ của vợ con, chính quyền và lực lượng công an thì bản thân tôi không thể bước qua được thử thách, cám dỗ của ma túy. Được tái hòa nhập với cộng đồng, không ai gọi tôi là “thằng nghiện” nữa. Đây chính là niềm tin, động lực giúp tôi cố gắng vươn lên mỗi ngày.
Giờ đây, tôi mong muốn có thể truyền cảm hứng cho những người từng lầm lỗi hãy đứng lên và làm lại cuộc đời của mình. Đặc biệt, tôi mong các bạn trẻ đừng dính vào ma túy dù chỉ là thử cũng không nên. Bởi chỉ cần 1 lần thử thì sẽ tự đưa mình vào lưới của “cái chết trắng...”, ông Chương nhắn nhủ.
Theo ông Chương, để cai nghiện thành công, trước hết, những người tái hòa nhập cộng đồng cần được gia đình động viên, an ủi, đồng hành. Đồng thời, phải có công ăn việc làm và tránh xa những người nghiện thì những người tái hòa nhập cộng đồng mới không tiếp tục lầm đường lạc lối.
Thiếu tá Nguyễn Kim Hùng, Phó Trưởng Công an xã Ea Pô cho biết, từ người nghiện ma túy lâu năm, giờ đây ông Chương đã có được gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành, kinh tế ổn định. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Chương còn tạo điều kiện, sẵn sàng hỗ trợ dạy nghề mộc miễn phí cho các thanh niên tại địa phương có nhu cầu học tập.
Ngoài ra, thời gian qua, ông Chương còn tích cực tham gia các buổi tuyên truyền cho người dân địa phương về những tác hại của ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại địa phương. Đồng thời, tích cực động viên, hỗ trợ những người nghiện ma túy quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời. Hành trình cai nghiện thành công của ông Chương đã khiến nhiều người cảm phục và trở thành câu chuyện truyền cảm hứng, thức tỉnh cho rất nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ. Từ đó, giúp người dân có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn, tránh xa những cám dỗ của ma túy./.
Như Ngọc (theo Người đưa tin)