Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đặt ra sau sơ kết 02 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 Ngày đăng: 22/08/2024
Theo báo cáo của Bộ Công an về sơ kết 02 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021, nhận định: Trong thời gian tới tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam vẫn là tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma tuý. Tình trạng tổ chức, chứa chấp việc sử dụng và tụ tập sử dung trái phép chất ma túy tại các điểm, tụ điểm, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ "nhạy cảm" chưa có dấu hiệu suy giảm. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản quy định chi tiết, thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo và làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, trong đó xác định công tác phòng, chống ma tuý là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục, lâu dài; tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành của các Bộ, ngành và địa phương, đánh giá đúng thực chất tình hình, chỉ rõ nguyên nhân, tôn tại để nâng cao hiệu quả thi hành Luật cũng như công tác phòng, chống ma túy.

3. Tiếp tục phát huy hiệu quả tác tuyên truyền phòng chống ma túy, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm hạn chế phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy mới, giảm nguồn cầu về ma túy; chú ý tuyên truyền  cho người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy chất hành tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy. Rà soát, đánh giá các mô hình phòng, chống ma túy trên toàn quốc, xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác phòng, chống ma túy. Chú trọng xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn sạch về ma túy, tiến tới huyện sạch ma túy.

4. Chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tăng cường công tác quản lý đối tượng liên quan đến ma túy; thực hiện hiệu quả công tác giải quyết điểm, tụ điểm và chuyển hoá địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma tuý; chủ động nắm, phân tích, dự báo và đánh giá đúng tình hình tội phạm về ma tuý, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển; phát huy vai trò nòng côt, chủ trì của lực lượng Công an, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý; nậng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý từ Trung ương đến địa phương; thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống ma tuý trên tuyến, địa bàn trọng điểm.

5. Thực hiện tốt công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy, đảm bảo số liệu người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy “đúng, đủ, sạch, sống”. Cập nhật đầy đủ, thường xuyên danh sách  người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy lên phần mềm quản lý đối tượng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

6. Thực hiện các biện pháp cai nghiện và xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tăng cường các giải pháp giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện chính sách cho vay vốn, đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người bị quản lý sau cai nghiện ma túy.

7. Khảo sát, đánh giá nâng cấp cơ sở cai nghiện bắt buộc đảm bảo theo đúng tiêu chí của Luật Phòng, chống ma túy. Trước mắt, các địa phương cần dự báo sự gia tăng việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chủ động lên phương án để đáp ứng, đồng thời có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng quá tải, người nghiện bỏ trốn.

8. Nâng cao mối quan hệ phối hợp của các đơn vị thành viên Tổ Công tác liên ngành; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; thường xuyên rà soát, thống kê, lập danh sách đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan lĩnh vực kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

9. Duy trì, mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế trong trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến công tác phòng, chống ma tuý được quy định trong Luật theo chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương./.

                                                                   Đàm Thị Minh Thu

                                                Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội