Thời gian qua, việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người trên phạm vi cả nước đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: (1) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người được tiến hành đồng bộ với nội dung và hình thức đa dạng phù hợp với các đối tượng tuyên truyền; (2) Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, quyết liệt; (3) Công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều đường dây mua bán người đã được triệt phá; (4) Công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được thực hiện kịp thời, bảo đảm quyền của nạn nhân; công tác hỗ trợ nạn nhân được các cấp, các ngành quan tâm, bảo đảm các điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho nạn nhân; (5) Công tác hợp tác quốc tế đã được tăng cường với nhiều hoạt động song phương, đa phương, trên nhiều diễn đàn trên thế giới và khu vực.
Có thể khẳng định, việc triển khai, thi hành Luật Phòng, chống mua bán người đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Các biện pháp phòng ngừa mua bán người
Ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại Lễ phát động "Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống mua bán người".
Sau hơn 10 năm tổ chức triển khai Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc trong: chỉ đạo điều hành; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; về nguồn lực bảo đảm; hợp tác quốc tế về mua bán người. Đặc biệt là khó khăn, vướng mắc phát sinh từ các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này.
Như vậy, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết với những lý do sau:
(1) Thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng, chống mua bán người
Ngày 16/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tại Kết luận đã xác định nhiệm vụ nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị: “Tích cực tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh;… tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, tội phạm mua bán người, xâm hại trẻ em…”. Đồng thời, Kết luận cũng đã đưa ra nhiệm vụ trong công tác hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; kết hợp giữa cải cách tư pháp với cải cách hành chính”.
(2) Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật, luật có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật trợ giúp pháp lý năm 2017,... trong khi đó các văn bản điều chỉnh công tác phòng, chống mua bán người đa số được ban hành trước thời điểm ban hành các văn bản này. Đồng thời, để phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì những quy định liên quan quyền con người, quyền công dân bị hạn chế từ các văn bản dưới luật sẽ phải rà soát để quy định trong Luật, cụ thể như:
Căn cứ xác định nạn nhân cần phải sửa đổi, bổ sung: Nạn nhân mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người được xác định theo Điều 119, Điều 120 của Bộ luật Hình sự năm 1999; tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội phạm mua bán người (Điều 150 và Điều 151) đã có sự thay đổi. Do vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các căn cứ xác định nạn nhân cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
(3) Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật
Chưa quy định chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân, lấy lời khai hoặc trong hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội.
Chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn: Chỉ quy định nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trong khi nhiều nạn nhân thường trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho Công an, Biên phòng hoặc khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý; chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, chưa đảm bảo cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng…
Chưa có quy định đối với những người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng các chế độ, chính sách; trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân, các đối tượng này cũng cần được hưởng một số chế độ thiết yếu như: Ăn, mặc, chi phí đi lại, y tế… , trong thực tế các cơ quan chức năng đã phải hỗ trợ những thiết yếu cơ bản trên nhưng khi xác minh không đủ điều kiện xác định là nạn nhân dẫn đến khó khăn cho cơ quan chức năng trong quyết toán kinh phí đã thực hiện.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong giai đoạn tới./.
Minh Thu
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).doc
Dự thảo Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).doc