Sau khi triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã từng bước ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc cũng bộc lộ và cần có biện pháp giải quyết để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
Một số kết quả khi nhận sau 2 năm thi hành Luật
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 11, thông qua ngày 30/03/2021 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) thay thế Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 với nhiều điểm mới, trong đó có nhiều nội dung lần đầu tiên được quy định.
Trong 2 năm qua, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc triển khai Luật trên phạm vi toàn quốc; đã ban hành các công điện hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện; biên soạn các tài liệu liên quan để cấp phát xuống tận cấp xã; tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy”. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất trong đó đã bổ sung 3 tiền chất và 17 chất ma túy mới.
Để tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có chính sách về nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng nhân dân đã ban hành Nghị quyết chính sách về phòng, chống ma túy, trọng tâm là bố trí kinh phí cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, 7 địa phương còn lại hàng năm đều bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống ma túy (tham mưu UBND ban hành các đề án đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy) nên chưa tham mưu đề xuất ban hành Nghị quyết riêng.
Công tác phòng, chống ma túy luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan, đã kịp thời nhân rộng cách làm hay, triển khai liên tục, sâu rộng, mô hình hiệu quả trong công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, công tác quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; khen thưởng, tuyên dương các điển hình trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý các cấp đã kịp thời phối hợp với các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát Biển) trực tiếp phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm luật về ma túy; hỗ trợ, đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma túy… Riêng trong năm 2023, các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy đã phối hợp phát hiện, bắt giữ trên 680 vụ với hơn 1.000 đối tượng; thu giữ trên 900 kg heroin; 1.226kg và gần 630 nghìn viên ma tuý tổng hợp.
Theo báo cáo của Bộ Công an và Bộ LĐTB&XH, hiện nay cả nước có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy và 14.996 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Đây là số liệu được thống kê theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, qua đó giúp cơ quan chức năng chủ động triển khai các giải pháp để "giảm cầu" ma tuý hiệu quả hơn so với thời gian trước đây.
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, hiện nay cả nước có 97 Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, có công suất tiếp nhận 36.623 học viện nhưng có đến 50% cơ sở không đảm bảo yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định, tổng công suất tiếp nhận chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong 2 năm, từ 01/01/2022 đến nay, tổng số người nghiện được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc là 41.591; trong đố, năm 2023 là 41.306 tăng 7.021 (tăng 40,6%) so với năm 2022; số người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện trong cơ sowe là 248; trong đó, số hồ sơ đưa người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 đi cai nghiện bắt buộc được lập trong năm 2023: 138.
Đối với việc xác định tình trạng nghiện, cả nước đã có 6.733 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, tăng 2.311 cơ sở so với trước đây, về cơ bản đã đáp ứng được công tác xác định tình trạng nghiện, trong đó có hơn 54% cơ sở cấp xã.
Điểm nổi bật trong quy định của Luật Luật Phòng, chống ma túy là trình tự, thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chi tiết, đơn giản, rút gọn, phù hợp với thực tiễn, nhiều địa phương chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Khó khăn vướng mắc trong thi hành Luật
Sau 2 năm triển khai Luật Phòng, chống ma túy cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Các địa phương đều gặp khó khăn về việc bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương phục vụ công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy. Các Nghị quyết của HĐND chủ yếu ưu tiên hỗ trợ công tác cai nghiện (phục vụ công tác giảm cầu), chưa quan tâm đúng mức hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy (Công an, Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển).
Nhiều Cơ sở cai nghiện ma túy công lập chưa đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện do chưa đáp ứng được các quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 109/2021/NĐ-CP, dẫn đến những hạn chế trong việc tổ chức điều trị nghiện hoặc xác định tình trạng nghiện đối với đối tượng tạm thời lưu trú tại cơ sở trong thời gian thực hiện các thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả còn thấp. Số đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu. Có tình trạng người nghiện đăng ký cai nghiện nhưng không có cơ sở tiếp nhận do chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ, trong khi cơ sở cai nghiện công lập thì quá tải, không tiếp nhận cai nghiện tự nguyện.
Về hình thức cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy, chua thu hút được các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này do không có lợi nhuận, người nghiện đa phần thuộc người nghèo, không tự chi trả được các chi phí cai nghiện.
Về công tác quản lý sau cai, người nghiện ma túy không khai báo khi hoàn thành cai nghiện, bỏ đi khỏi địa phương nên công tác quản lý sau cai và lập hồ sơ đưa vào danh sách quản lý sau cai gặp khó khăn...
Một số kiến nghị, đề xuất đặt ra
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng chống ma túy, tham mưu Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống ma túy ở địa phương.
Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. UBND cấp tỉnh cũng cần quan tâm bố trí nguồn lực (kinh phí, nhân sự) đầu tư cho các cơ sở cai nghiện ma túy công lập để đáp tứng thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; chỉ đạo các Sở, ban, ngành ở địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với mỗi thành viên, không để tình trạng "khoán trắng" cho lực lượng Công an trong công tác phòng chống ma túy. Xây dựng các mô hình, tạo nguồn vốn, công ăn việc làm cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái nghiện, góp phần "giảm cầu", nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy./.
Nhật NL