Không để “khoảng trống” trong quản lý người nghiện ma túy Ngày đăng: 08/12/2023
“Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực đã giúp khắc phục khoảng trống trong quản lý người nghiện ma túy. Nếu người nghiện không đăng ký cai nghiện tự nguyện thì sẽ phải đi cai nghiện bắt buộc”, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đàm Thị Minh Thu nhấn mạnh và cho biết, nhận thức và hành động về công tác phòng, chống ma túy tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội.

 

 

+ Thưa Cục trưởng, bà có thể nêu một số điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022)?

- Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu: Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, trong đó lĩnh vực cai nghiện ma túy đã được xây dựng trên quan điểm tôn trọng quyền công dân, quyền con người, quyền được tự nguyện tiếp cận các dịch vụ cai nghiện ma túy, hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy; trong Luật đã có nhiều điểm mới và được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Một trong những điểm đáng chú ý, đó là về quy trình cai nghiện ma túy. Lần đầu tiên quy trình cai nghiện ma túy với 5 giai đoạn, kết hợp các biện pháp y tế, giáo dục, lao động, hỗ trợ xã hội được quy định trong luật với các nội cụ thể, chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; đồng thời, cũng quy định rõ việc tổ chức cai nghiện ma túy phải được thực hiện theo quy trình cai nghiện này ở tất cả các hình thức, biện pháp cai nghiện.Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên được chi tiết trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, rút gọn hồ sơ, trình tự thực hiện; làm rõ vai trò của từng cơ quan (UBND, cơ quan công an, cơ quan LĐ-TB&XH) trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục này.

Để bảo đảm việc bố trí, huy động các nguồn lực hiện có tham gia, hỗ trợ cai nghiện tự nguyện, một trong các điểm mới của luật được cụ thể hóa trong Nghị định là thay đổi cơ quan chủ trì tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ UBND cấp xã (trước đây) sang Chủ tịch UBND cấp huyện; đồng thời, quy định rõ nội dung quản lý cai nghiện tự nguyện của UBND cấp xã; để đảm bảo các điều kiện tổ chức cai nghiện, chính sách khuyến khích, động viên người nghiện tự nguyện cai nghiện, Nghị định quy định cụ thể chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện, chế độ hỗ trợ đối với người tham gia công tác quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.Ngoài ra, còn có những điểm mới khác trong công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, trong quản lý sau cai nghiện ma túy…

* Để đưa luật vào cuộc sống, chúng ta cần những giải pháp nào, thưa Cục trưởng?

- Cục Trưởng Đàm Thị Minh Thu: Để chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai luật, nghị định đi vào cuộc sống, UBND cấp tỉnh cần khảo sát, thống kê toàn bộ số người nghiện ma túy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi để chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực cho công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy.

Đồng thời đánh giá khả năng tiếp nhận của các cơ sở cai nghiện ma túy (bao gồm cả cơ sở cai nghiện công lập và cơ sở cai nghiện tư nhân), điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện quy trình cai nghiện ma túy; chuẩn bị các phương án tổ chức cai nghiện bắt buộc theo quy định mới.

Bên cạnh đó, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự để tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định hướng dẫn và các quy định pháp luật có liên quan khác. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy…

Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu thăm CSCNMT Ninh Bình

* Qua gần 2 năm triển khai luật, Cục trưởng có đánh giá như thế nào về lĩnh vực này?

- Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu: Có thể nói, những quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã tạo điều kiện cho người nghiện ma túy được lựa chọn các hình thức cai nghiện phù hợp và cũng đã huy động tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để tham gia vào quy trình cai nghiện ma túy.

Tuy nhiên, việc áp dụng và thực hiện các quy định mới của luật tại địa phương đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, người nghiện và gia đình người nghiện ma túy không tự nguyện khai báo đăng ký cai nghiện ma túy mà cũng không có khả năng đóng góp chi phí cho cai nghiện ma túy. Việc theo dõi và quản lý tiếp nhận, cảm hóa, giáo dục đối với người nghiện gặp khó khăn vì họ thường xuyên không có mặt tại nơi cư trú.

 Phần lớn các cơ sở y tế trực thuộc ngành y cấp xã, cấp huyện đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhưng không tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện, vì các cơ sở này không được giao chức năng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng…

Ngoài ra, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện và tại các cơ sở cai nghiện tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn. Về cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, Luật Phòng, chống ma túy quy định cơ sở cai nghiện ma túy công lập có trách nhiệm thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy.   

Tuy nhiên, đa số các cơ sở cai nghiện ma túy đang không tuyển được bác sĩ đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề. Đó cũng là một khó khăn. Tiếp đến là về công suất tiếp nhận, hiện tại trên phạm vi cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy; trong đó, 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 13 cơ sở cai nghiện ngoài công lập; tính theo quy định của Nghị định 116, các cơ sở hiện có mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Chưa kể, đội ngũ viên chức, người lao động tại các cơ sở còn rất thiếu về số lượng và cũng chưa có các chính sách thu hút chế độ đãi ngộ với họ. Đặc biệt, đối với nhân sự là y, bác sĩ, hiện các địa phương cũng chưa quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện theo các quy định tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 116.

Hiện, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đang phối hợp với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở cai nghiện ma túy, dự báo tình hình tăng giảm số người nghiện ma túy, nhu cầu cai nghiện ma túy để thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách, đặc biệt là đào tạo, tập huấn cho đội ngũ viên chức, người lao động trong các cơ sở cai nghiện ma túy và người làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhằm triển khai có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy theo quy định tại Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

* Trân trọng cảm ơn bà!

Ng.Trực (Theo Báo LĐXH)