Hà Nội: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục Ngày đăng: 03/06/2024
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về việc “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” và Chương trình phối hợp số 03/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 22/01/2024 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 - 2030, ngày 29/5/2024 Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy và các Sở, ngành, đoàn thể và UBND cấp huyện triển khai thực hiện một số nội dung quan trọng:

Công tác tham mưu, chỉ đạo

 Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Thành phố về công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, phòng, chống ma túy trong ngành giáo dục. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Chương trình số 03.

Xây dựng triển khai mô hình “Trường học không ma túy”; “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Nhà trường an toàn”, thông qua các hoạt động: đánh giá, phân loại tình trạng tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn xã, phường, thị trấn gắn liền với đánh giá trong các cơ sở giáo dục; thực hiện đồng bộ công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về pháp luật qua các chương trình ngoại khóa, các câu lạc bộ sinh hoạt giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của giáo viên, học sinh trong đáu tranh và đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Công tác tuyên truyền  phòng, chống ma túy

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, xây dựng và hình thành kỹ năng phòng, tránh tệ nạn ma túy cho học sinh, sinh viên thông qua việc lồng các bải giảng, các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt qua các ứng dụng công nghệ (facebook, zalo…) tại các cơ sở giáo dục trú đóng trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình, an ninh trật tự xã hội… tạo sức “đề kháng”, chủ động phòng tránh tệ nạn ma túy thâm nhập vào đời sống học đường.

Thực hiện ký cam kết của học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh với nhà trường… phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội (qua việc bồi dưỡng, tập huấn) công tác phòng, chống đẩy lùi tệ nạn ma túy; xây dựng, triển khai một số hoạt động tuyên truyền qua trang thông tin của trường, tin bài, video, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa; tổ chức hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” 26/6 qua các hoạt động thể thao, sân khấu hóa.

Tổ chức thực hiện

Công an Thành phố: (1) Thực hiện tốt chức năng Cơ quan thường trực giúp việc Ban chỉ đạo 89 Thành phố, chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký kết Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy. (2) Thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tội phạm và công tác phòng, chống ma túy, chủ trương, chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến công tác phòng, chống ma túy… tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. (3) Chỉ đạo, hướng dẫn Công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục phát huy vai trò, thực hiện tốt công tác tuyên tryền nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, ban ngành tại địa phương trong công tác quản lý và phòng, chống tệ nạn xã hội, bặc biệt là tệ nạn ma túy…

Sở Giáo dục và Đào tạo: (1) Phối hợp với Công an Thành phố tổ chức ký kết Chương trình số 03, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, thiết lập, lan rộng thông tin đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm tại các cơ sở giáo dục để kịp thời tiếp nhận thông tin và xử lý khi có biễn biến phức tạp xảy ra. (2) Chỉ đạo các cơ sở thuộc quyền quản lý xây dựng lồng ghép nội dung về phòng, chống ma túy vào trong các bài giảng, chương trình ngoại khóa, sinh hoạt ngoài giờ để học sinh, sinh viên có thể tiếp cận, nắm bắt thông tin. (3) Tổ chức ký cam kết của giáo viên, nhân viên, phụ huỳnh, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cam kết không sử dụng trái phép chất ma túy, không có hành vi vi phạm luật về ma túy… Đưa chỉ tiêu “Trường học không ma túy” là nhiệm vụ thi đua trọng tâm hàng năm đối với các cơ sở giáo dục.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: (1) Phối họp với Công an Thành phố ký kết Chương trình 03, triển khai xây dựng mô hình “Trường học không ma túy” tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền. (2) Tập huấn, hướng dẫn đội tình nguyện viên Đội công tác xã hội tại địa phương công tác truyền thông, nâng cao nhận thức các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, đặc biệt đối với lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường. (3) Chủ động phối phối hợp với các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức cai nghiện ma túy cho các trường hợp người nghiện là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên theo đúng quy định của pháp luật…

Riêng đối với một số Sở, ban, ngành liên quan như: Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả các hoạt động chuyên môn của đơn vị./.

Nhật NL