Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ngày đăng: 26/01/2024
Trong không khí vui tươi, đầm ấm đón Xuân mới Giáp Thìn, chiều ngày 26/1/2024, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức gặp mặt cán bộ, công chức, người lao động và cán bộ hưu trí nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (11/01/1994 – 11/01/2024).

 

 

 

 

 

Những thành tựu nổi bật

Thông tin ngắn gọn tại buổi gặp mặt, Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu cho biết, trong 30 năm qua, với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tích cực tham mưu, trình Bộ trình cơ quan có thẩm quyền từng bước xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội. Nhìn lại, có thể thấy những thành tựu đã đạt được như sau:

Thứ nhất, pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội đã được xây dựng tương đối đồng bộ, đáp ứng được ở mức độ nhất định yêu cầu, đòi hỏi của công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống mại dâm, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma tuý và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Năm 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 05/CP (ngày 29/1/1993) về “ngăn chặn và chống tệ nạn mãi dâm”; Nghị quyết 06/CP (ngày 29/1/1993) về “tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma tuý”; Nghị quyết 20/CP về “đẩy mạnh công tác phòng, chống nhiễm HIV/AIDS”; ngày 6/7/1995 UB Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định biện pháp xử lý hành chính đối với đối tượng mại dâm và nghiện ma tuý với các hình thức giáo dục, chữa trị, cai nghiện, tổ chức lao động sản xuất tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở tập trung thuộc ngành LĐ-TBXH.

Ngày 09/12/2000, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2008, 2021). Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy.

Ngày 14/3/2003, Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (số 10/2003/PL-UBTVQH11). Pháp lệnh đã quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm. Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế - xã hội, hành chính, hình sự và các biện pháp khác để phòng, chống mại dâm; kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Ngày 29/3/2011, Quốc hội khóa XII đã thông Luật Phòng, chống mua bán người quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.

Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành hệ thống các văn bản dưới luật (Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch,…); các văn bản này đã và đang đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội ngày càng có kết quả.

Quang cảnh buổi gặp mặt

Thứ hai, đã xây dựng được hệ thống chính sách, chế độ và các dịch vụ hỗ trợ đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán tương đối đầy đủ và phù hợp với thực tiễn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và quyền con người.

Cùng với việc xây dựng chính sách, chế độ, hệ thống các dịch vụ hỗ trợ từng bước được hình thành, chuẩn hoá theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả (hiện với 97 cơ sở cai nghiện ma tuý công lập; 13 cơ sở cai nghiện ngoài công lập; thiết lập mạng lưới cung cấp dịch vụ xã hội từ các Trung tâm công tác xã hội, Cơ sở bảo trợ xã hội của 63 tỉnh, thành phố trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ đối với người bán dâm, nạn nhân bị mua bán).

Các chính sách về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý, hỗ trợ xã hội, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán đã được tổ chức triển khai đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng người được tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngày một tăng; chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện, hỗ trợ hoà nhập đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán đã được xã hội khẳng định, công nhận; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho 63 tỉnh, thành phố phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, trên cơ sở hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ xây dựng các  chương trình, dự án, đề án 5 năm, về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý phòng, chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm, nạn nhân bị mua bán. Trong 30 năm qua, bố trí hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ một số địa phương khó khăn về ngân sách trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Thứ tư, hiện nay, Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện nhiều quy định luật pháp quốc tế cũng như hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật phù hợp với cam kết, hội nhập ở các cấp độ và hình thức khác nhau như tham gia các Nghị định thư về quyền con người, chống tội phạm mua bán người, bóc lột tình dục vì mục đích thương mại; các thỏa thuận hợp tác khu vực ASEAN, thoả thuận song phương Việt Nam - Trung quốc, Việt Nam, Thái Lan về phòng, chống ma tuý, mua bán người…

Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu chúc thọ cán bộ hưu trí 

Tiếp tục đoàn kết, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, lãnh đạo, công chức qua các thời kỳ phấn khởi trước những kết quả của tập thể Cục PCTNXH đạt được trong 30 năm qua. Nguyên Cục trưởng Nguyễn Văn Minh chia sẻ, trước tình hình tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, nhất là số người nghiện ma túy có xu hướng trẻ hóa và gia tăng hàng năm, Cục PCTNXH cần tiếp tục đoàn kết, tham mưu Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trong đó nghiên cứu lý luận về cai nghiện ma túy – một trong những lĩnh vực đặc thù của Cục để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao và yêu cầu của thực tiễn.

Nguyên Cục trưởng Nguyễn Văn Minh phát biểu chia sẻ tại buổi gặp mặt

Thay mặt lãnh đạo, Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu chân thành tiếp thu và cảm ơn tình cảm và sự chia sẻ của các đồng chí cán bộ hưu trí đã đóng góp công sức, trí tuệ cho quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị 30 năm qua. Đồng thời, lãnh đạo và công chức, người lao động tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị, đoàn kết, nhất trí để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.

Nhân dịp năm mới, Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và cán bộ hưu trí dồi dào sức khỏe, cùng gia đình đón Xuân mới an vui, đầm ấm./.

Như Ngọc