Hội thảo chia sẻ, tham vấn tăng cường khả năng kết nối, tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán Ngày đăng: 07/12/2023
Ngày 21/11/2023, tại tỉnh Quảng Ninh và ngày 29/11/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo “Chia sẻ, tham vấn tăng cường khả năng kết nối, tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán”. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và ông Mark Holton, Trưởng Bộ phận nhập cư, di cư, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng tham dự hội thảo có đại diện Cục cảnh sát hình sự, Cục Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an); Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), Vụ Xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), Ban Tuyên giáo (Trung ương Hội LHPN Việt Nam); đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Trung tâm Công tác xã hội, Công an, Biên phòng, Phụ nữ, Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm trợ giúp pháp lý… của 40 tỉnh, thành phố và đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam. 

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Nguyễn Thùy Dương nhấn mạnh, mua bán người thời gian qua tại Việt Nam là một trong những vấn đề nóng được báo chí và dư luận quan tâm, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong nước và quốc tế. Chính phủ, các bộ, ngành luôn coi công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân là nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm thực thi đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực cho đội ngũ trực tiếp tham gia tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ cho Chính phủ trong việc kết nối, điều phối các nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế. Các chính sách hỗ trợ nạn nhân đã đảm bảo nạn nhân được hỗ trợ từ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế, tâm lý, pháp lý, văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cũng như quy định các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ nạn nhân như: cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ quan công an, biên phòng, UBND các cấp, các trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ sở y tế, trung tâm dịch vụ việc làm…

Các đại biểu dự Hội thảo tại Quảng Ninh

Trên thực tế, việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân đã được triển khai và có hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác này đang gặp khó khăn do một số quy định về chính sách, pháp luật, những điều kiện, tiêu chuẩn làm hạn chế sự tiếp cận dịch vụ của nạn nhân cũng như sự phối hợp chưa chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc cung cấp hỗ trợ nạn nhân cũng là rào cản khiến công tác hỗ trợ nạn nhân chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Phó Cục trưởng Nguyễn Thùy Dương đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo chia sẻ về thực tiễn và kinh nghiệm trong quá trình hỗ trợ, chuyển tuyến nạn nhân đến các dịch vụ hỗ trợ và tham mưu cho Cục, Bộ những giải pháp, biện pháp giúp cho nạn nhân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng bền vững.

Tại Hội thảo, ông Mark Holton chia sẻ, sau đại dịch COVID-19, nhiều người lao động tìm kiếm việc làm bù đắp thu nhập trong thời gian nghỉ dịch, trong số này, một số người bị tội phạm mua bán người lợi dụng và họ đã trở thành nạn nhân của mua bán người... Việc Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực và chính sách hỗ trợ nạn nhân trở về cộng đồng là góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu phòng, chống mua bán người. Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân; nâng cao khả năng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân (tiếp nhận, hỗ trợ tâm lý, pháp lý, học nghề, việc làm, vay vốn…) cho nạn nhân bị mua bán và người có nguy cơ cao bị mua bán.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của một số cơ quan, tổ chức liên quan và địa phương trong công tác kết nối, chuyển tuyến đến các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện, qua đó, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Cục trưởng Nguyễn Thùy Dương đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho cán bộ làm công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm công tác xã hội, cán bộ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp, cán bộ các đồn biên phòng và Đội công tác xã hội tình nguyện, những người trực tiếp làm công tác hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân để đảm bảo việc tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ kịp thời, đáp ứng nhu cầu của nạn nhân cũng như quy định của pháp luật. Về phía Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội sẽ tham mưu cho Bộ trong việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ nạn nhân, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bao gồm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn, đạo đức của nhân viên hỗ trợ…góp phần hỗ trợ nạn nhân một cách hiệu quả./.

Triệu Mạo