Tiền Giang duy trì hiệu quả phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng” Ngày đăng: 06/06/2024
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Đội công tác xã hội tình nguyện (CTXHTN) cấp xã xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công thành viên thực hiện công tác quản lý, tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy trên địa bàn; phối hợp với các ngành, đoàn thể hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

 

 

 

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 114/172 Đội CTXHTN cấp xã với 630 thành viên dưới sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp xã. Căn cứ vào tình hình thực tiễn tại các địa phương, mỗi Đội CTXHTN cấp xã có từ 05 đến 10 thành viên, trong đó có 01 đội trưởng, 01 hoặc 02 đội phó và các tình nguyện viên. Thành phần là những người đang hoặc đã từng tham gia hoạt động trong các tổ chức đoàn thể ở cấp xã như: Mặt trận tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và một số ngành khác có uy tín, khả năng thuyết phục và tình nguyện tham gia công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và công tác xã hội khác. Thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện được hưởng mức thù lao theo quy định tại Nghị Quyết số 79/2014/QĐ-UBND của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Hằng năm các Đội CTXHTN cấp xã xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức sinh hoạt hàng tháng, quý; nội dung sinh hoạt của các Đội công tác xã hội tình nguyện là triển khai các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và đánh giá kết quả hoạt động trong tháng, việc tiếp cận, giúp đỡ đối tượng và đề ra phương hướng cho những tháng tiếp theo.

Trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ, Sở Lao động - TBXH đã rà soát, bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên của Đội trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức 03 lớp với 580 lượt chuyên viên Phòng Lao động – TBXH các huyện, thành, thị và thành viên Đội CTXHTN cấp xã tham dự.

Xác định công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa là một nhiệm vụ cơ bản, Đội CTXHTN phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các khu dân cư trên địa bàn lồng ghép tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS thông qua các hoạt động liên quan như xóa đói giảm nghèo, cứu trợ xã hội, bình đẳng giới, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai nghiện, người mại dâm, nạn nhân bị mua bán trở về tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng; giữ gìn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn dân cư.

Hình thức thông tin tuyên truyền thông qua việc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, các ban ngành đoàn thể xã tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức trong nhân dân về ý thức phòng ngừa và ngăn chặn những hành vi có dấu hiệu tệ nạn mại dâm, ma túy, xâm hại tình dục trẻ em. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức 176 cuộc với 6.421 lượt người tham dự; phát trực tiếp 773 tờ rơi; vận động 09 người nghiện ma túy điều trị thay thế bằng uống thuốc methadone tại điểm Trung tâm y tế thị xã. Phối hợp với Đài Truyền thanh xã tổ chức tuyên truyền 35 cuộc về những mô hình hiệu quả, những tấm gương điển hình về công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm với thời lượng 15 phút/cuộc. Phối hợp với Ban Giám hiệu cá trường THCS, THPT trên địa bàn tổ chức 10 cuộc tuyên truyền về phòng chống ma túy trong nhà trường, tổ chức cho 4.854 lượt học sinh xem phóng sự về tác hại của ma túy, mại dâm,..

Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự tuyên truyền bằng loa di động được 07 cuộc với khoảng 1.535 lượt người tham dự. Tổ chức sinh hoạt trong các tổ nhân dân tự quản về luật phòng chống mại dâm, ma tuý, cách phòng ngừa, tố giác các phần tử buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma tuý; một số kiến thức pháp luật về cai nghiện ma túy cho người nghiện tại gia đình, cộng đồng; tuyên truyền về công tác quản lý sau cai, biện pháp quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú; tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh, tác hại của tệ nạn mại dâm; các kiến thức pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm, mại dâm trá hình; về biện pháp hỗ trợ người mại dâm, người có nguy cơ cao trong cộng đồng; các văn bản quy định xử phạt về mại dâm; cách ngăn ngừa tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em, tệ nạn mua bán người…

Đội CTXHTN còn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể từng tình nguyện viên phụ trách địa bàn từng ấp, khu phố theo dõi, quản lý và lập danh sách hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy được tiếp cận các dịch vụ y tế, nguồn vốn, học nghề, việc làm… Các tình nguyện viên thường xuyên tiếp xúc bằng nhiều hình thức đối với người sử dụng ma túy đang được phân công giúp đỡ để tư vấn cách thức giải quyết các khủng hoảng tâm lý, dự phòng tái nghiện; đồng thời huy động sự giúp đỡ, động viên của gia đình, người thân người sau cai nghiện.

Ngoài ra Đội còn rà soát, lập danh sách người sử dụng ma túy, người sau cai nghiện tại địa phương, tìm hiểu quá trình sử dụng ma túy (thời gian, loại ma túy sử dụng, các biện pháp, hình thức điều trị, cai nghiện đã thực hiện), xác định nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi người để lên kế hoạch tiếp cận, hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Kết quả tình nguyện viên đã tiếp cận, giúp đỡ 143 người (trong đó: 49 người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy; 94 người nghiện ma túy và người sau cai nghiện); vận động, khuyến khích, giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn cho 04 người sau cai nghiện ma túy trở về cộng đồng; hỗ trợ 06 gia đình đối tượng được vay vốn với số tiền 110 triệu đồng. Tư vấn, tạo việc làm cho 04 đối tượng có việc làm ổn định sau cai nghiện ma túy trở về cộng đồng.

Các tình nguyện viên đã tích cực tham gia tư vấn, giáo dục, cảm hoá, vận động, hỗ trợ người nghiện ma tuý cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng. Phối hợp với các ngành, đoàn thể tiếp cận và giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma tuý tại cộng đồng tham gia sinh hoạt, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, động viên giúp đỡ nhau, có động lực vươn lên trong cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng, không tái nghiện. Kết nối với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân giới thiệu họ tham gia các chương trình an sinh xã hội và xét hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người không có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện hoàn lương có việc làm hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể đã đến gặp trực tiếp tuyên truyền vận động giúp đỡ 71 người nghiện, người sau cai nghiện, người có nguy cơ nghiện ma túy; phân công cho từng thành viên trong đội tiếp cận những người có nguy cơ nghiện ma túy cao để tuyên truyền, giúp đỡ, hỗ trợ họ phòng ngừa việc sử dụng ma túy trái phép… để họ tái hòa nhập cộng đồng trở thành người có ích cho gia đình, xã hội./.

Như Ngọc