Thành phố Hồ Chí Minh: Chủ động triển khai kế hoạch, giải pháp thực hiện công tác phòng, chống mại dâm Ngày đăng: 29/05/2024
Hiện, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 859 cơ sở kinh doanh nghi vấn hoạt động mại dâm, 314 cơ sở nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục. Tổng số người bán dâm ước tính khoảng 1.083 người; số người bán dâm và người có nguy cơ cao hoạt động bán dâm có nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ xã hội là 1.501 người.

 

 

 

 

Nỗ lực triển khai các giải pháp phòng, chống mại dâm

Nhằm tăng cường các giải pháp đồng bộ, giảm các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 908/KH-UBND ngày 27/12/2024 về phòng, chống mại dâm năm 2024.

Công tác tuyên truyền, truyền thông, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm được gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Các sở, ngành, đoàn thể và địa phương đã xây dựng, phát hành 188.704 bản tin, tài liệu, pano, áp phích, tờ rơi, xe loa lưu động tại cộng đồng; tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, qua Zalo thu hút đông đảo người dân quan tâm, tham gia.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh, Đài Truyền hình lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội trong các chương trình Thời sự của Đài. Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, cung cấp thông tin thiết thực, sống động về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống mại dâm, các “điểm nóng” đang diễn ra trên địa bàn, kết quả đấu tranh của lực lượng chức năng…

Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã tích cực vận động chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tại 3.227 cơ sở nâng cao trách nhiệm đối với người lao động làm việc tại cơ sở, ký cam kết không để xảy ra tệ nạn mại dâm và các hành vi khiêu dâm, kích dục.

Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng được chú trọng. Ngay từ đầu năm 2024, các sở, ngành, đoàn thể và địa phương đã chủ động tập huấn cho cho 316 lượt công chức, viên chức, cán bộ, cộng tác viên… thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm tại cơ sở.

Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về phòng, chống mại dâm được thực hiện nghiêm, đúng quy định, tạo được sự răn đe, giáo dục trong cộng đồng. Các Đoàn, Đội, Tổ kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội các cấp đã tổ chức kiểm tra 857 lượt cơ sở, phát hiện 228 cơ sở vi phạm hành chính, kết quả đã phạt tiền 194 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Đồng thời, lực lượng chức năng đã phối hợp với Công an cấp quận tổ chức 82 lượt truy quét mại dâm nơi cộng cộng, phát hiện 09 trường hợp bán dâm; triệt phá 68 vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 325 người vi phạm, xử lý hành chính 246 người, lập hồ sơ xử lý hình sự 79 đối tượng về hành vi chứa mại dâm và môi giới mại dâm theo quy định.

Người bán dâm, người có nguy cơ cao hoạt động bán dâm có nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ xã hội đã được các nhân viên tiếp cận cộng đồng, các tổ chức dựa vào cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội Ánh Dương (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố) và các Câu lạc bộ kịp thời hỗ trợ, với các dịch vụ can thiệp giảm hại như cấp phát bao cao su, gel bôi trơn, tư vấn xét nghiệm sàng lọc không chuyên, hỗ trợ chuyển gửi điều trị HIV…

Tăng cường xử lý hoạt động mại dâm trên không gian mạng

Tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến khá phức tạp. Hoạt động mại dâm tại các khu vực công cộng có xu hướng giảm, chủ yếu là đứng đường hoặc dùng xe gắn máy chạy theo chèo kéo khách mua dâm. Các đối tượng sử dụng mạng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhóm kín để hoạt động ngày càng phổ biến.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, triệt phá vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm cũng như hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với người bán dâm, Sở LĐTBXH tiếp tục phát huy vai trò Cơ quan thường trực về phòng, chống mại dâm tại địa phương, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy mạnh hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; chú trọng các nhóm đối tượng đích như người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc trên địa bàn thành phố.

Thứ hai, tăng cường phòng ngừa mại dâm, lồng ghép với các chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, chương trình an sinh xã hội, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới… tại địa phương để tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Thứ ba, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, nhân viên, cộng tác viên cộng đồng làm nhiệm vụ phòng, chống mại dâm, chú trọng kỹ năng tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ người bán dâm từng bước chuyển đổi hành vi, ổn định cuộc sống.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng có biện pháp thu thập thông tin phát hiện, xử lý hoạt động mại dâm trên internet; tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, hướng dẫn, nhắc nhở chủ cơ sở, người lao động tại các cơ sở thực hiện nghiêm quy định pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật./.

 

Ngọc Hoàn