Tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2024 Ngày đăng: 24/05/2024
Năm 2024, tỉnh An Giang đặt mục tiêu 40% trên tổng số các xã, phường, thị trấn được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm; Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tổ chức kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện tại ít nhất 15% trên tổng số các xã, phường, thị trấn.

 

 

 

Kết hợp biện pháp phòng ngừa và đấu tranh, xử lý

Trong năm 2023, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, ngành Công an và các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đã tích cực phối hợp, triển khai cuộc tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống tội phạm, tệ nạn mại dâm, đưa tin trên Đài truyền thanh, xe lưu động… Nhờ vậy, người dân đã được cập nhật thông tin, kiến thức, nâng cao cảnh giác với các đối tượng tệ nạn, tội phạm, tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.

Sở LĐTBXH đã xây dựng pano, áp phúc, in ấn hơn 69 nghìn tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền cho 11 huyện, thị xã, thành phố; tích cực phối hợp với phòng LĐTBXH cấp huyện tổ chức 160 cuộc tuyên truyền xã, phường, thị trấn, với hơn 10 nghìn lượt người dân tham gia. Có hơn 15 nghìn người thuộc nhóm có nguy cơ cao tham gia tệ nạn mại dâm được phổ biến, cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, nâng cao tinh thần phát hiện, tố giác tội phạm, lồng ghép các nội dung phòng, chống tệ nạn xã hội, với hơn 1.500 lượt người tham dự.

Đối với công tác phòng ngừa tệ nạn mại dâm, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học,... phối hợp với lực lượng Công an thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với biện pháp nghiệp vụ bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng.

Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, tỉnh An Giang triển khai lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình an sinh xã hội, chương trình phòng chống ma tuý, phòng, chống HIV/AIDS… tại từng địa phương

Tại huyện Châu Phú, phòng LĐTBXH đã tổ chức tập huấn quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm cho 100 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm khách sạn, nhà hàng, vũ trường, nhà nghỉ,… có sử dụng tiếp viên, người lao động. Từ đó, đã góp phần tạp sự đồng thuận, hợp tác giữa các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ với các cơ quan chức năng trong phòng, chống tệ nạn xã hội.

Công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được đẩy mạnh, thực hiện nghiêm trên địa bàn tỉnh An Giang. Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh đã tổ chức kiểm tra 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm của 11 huyện, thị xã, thành phố, lập biên bản nhắc nhở, hướng dẫn một số chủ cơ sở khắc phục những thiếu sót. Đội cũng tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống mại dâm để các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiểu rõ, chấp hành nghiêm túc.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an toàn tỉnh phát hiện, bắt 05 vụ, liên quan 34 đối tượng. Kết quả, đã xử lý hình sự 03 vụ, 03 đối tượng; xử lý hành chính 02 vụ, 31 đối tượng với tổng số tiền 94.800.000 đồng.

Đẩy mạnh các biện pháp trọng tâm, đồng bộ

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, tệ nạn mại dâm có xu hướng gia tăng, nhưng ít lộ liễu công khai mà chuyển sang hoạt động trá hình, tinh vi dưới nhiều hình thức linh hoạt, cơ động, sử dụng phương tiện thông tin hiện đại, ứng dụng mạng xã hội để hoạt động. Chủ cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở massage… tiếp tay, móc nối với đối tượng hoạt động mại dâm để đối phó với cơ quan chức năng vì lợi ích kinh doanh.

Để triển khai hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống mại dâm năm 2024 cũng như Quyết định số 2588/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tập trung chỉ đạo Sở LĐTBXH, các ngành, các cấp trên toàn tỉnh, quyết liệt thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mại dâm để nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tự giác tham gia phát hiện, tố giác những đối tượng hoạt động mại dâm với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Thứ hai, Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện nghi vấn hoạt động tệ nạn xã hội để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Các lực lượng chức năng kiên quyết triệt phá các ổ nhóm chứa, môi giới mại dâm và đề nghị truy tố, xét xử trước pháp luật; đẩy mạnh rà soát, quản lý chặt địa bàn, đối tượng,… không để xảy ra các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý, giáo dục người tham gia hoạt động mại dâm tại cộng đồng, nhằm giúp đỡ tạo điều kiện việc làm, sinh sống cho đối tượng hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tổ chức các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là cho phụ nữ, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu có đời sống kinh tế khó khăn, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn họ không sa ngã vào hoạt động mại dâm, cũng như các loại tội phạm về tệ nạn xã hội.

Thứ tư, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho cán bộ chuyên môn phòng, chống tệ nạn mại dâm, các loại tệ nạn xã hội khác cũng như trang bị phương tiện, kỹ thuật, kinh phí để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong tình hình mới./.

Ngọc Hoàn