Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội: kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy và triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024 Ngày đăng: 29/06/2024
Sáng ngày 27/6/2024, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 tỉnh Nghệ An (Cơ sở), Đoàn công tác của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác cai nghiện ma túy và triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024 tại địa phương. Đoàn công tác do bà Đàm Thị Minh Thu - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội làm Trưởng đoàn, tham gia có đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ; Phòng Chính sách cai nghiện ma túy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

Chức năng, nhiệm vụ và công suất tiếp nhận

Cơ sở được thành lập theo Quyết định số 1954/QĐ-UBND ngày 30/5/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An với 04 chức năng: tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện; tổ chức tiếp nhận người sử dụng, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định và tổ chức điều trị thay thế; quy mô tiếp nhận hiện tại của Cơ sở là 300 học viên. Tính hết ngày 23/6/2024, cơ sở đã tiếp nhận 173 học viên (trong đó 164 học viên cai nghiện ma túy bắt buộc và 09 học viên cai nghiện ma túy tự nguyện). Số học viên có mặt đến thời điểm báo cáo là 312 học viên (trong đó 306 học viên cai nghiện ma túy bắt buộc và 06 học viên cai nghiện ma túy tự nguyện).

Công tác tổ chức quản lý học viên

Cơ sở luôn duy trì tốt công tác quản lý, giáo dục học viên. Để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, lãnh đạo Cơ sở thường xuyên quán triệt, phổ biến chức năng nhiệm vụ đến từng phòng chuyên môn, từng viên chức về tăng cường quản lý chặt chẽ học viên, không để xảy ra tình trạng học viên gây rối, sử dụng mặt hàng cấm, lợi dụng sơ hở để bỏ trốn. Ngoài ra, Cơ sở còn tổ chức công tác giáo dục tư tưởng, nội quy, quy chế, quyền hạn, trách nhiệm của học viên khi cai nghiện tại Cơ sở, nhờ vậy học viên tự nhận thức, tự giác chấp hành tốt nội quy, quy chế và sự điều hành của cán bộ quản lý. Xây dựng quy trình sinh hoạt, nghỉ ngơi, lao động trị liệu khép kín trong ngày tạo không khí sinh hoạt vui vẻ, hòa thuận với phương châm “Cơ sở là nhà – Chúng ta là anh em” tạo nên môi trường sinh hoạt tập thể lành mạnh.

Công tác giáo dục, tư vấn cho học viên

Cơ sở duy trì mỗi tháng 01 lớp dạy nội quy, quy chế cho học viên mới vào cai nghiện; 01 lớp tư vấn phòng tránh tái nghiện cho học viên sắp tái hòa nhập cộng đồng và 01 lớp tập đội hình, đội ngũ; tổ chức 01 buổi chào cờ Ngày đầu hằng tháng và 01 buổi giao ban theo chương trình Daytop. Mỗi buổi sáng học viên đều tham gia tập thể dục 30 phút. Vào các chiều thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, Cơ sở tổ chức cho học viên vui chơi bóng đá, bóng chuyền.

Công tác dạy nghề và lao động trị liệu

Tổ chức lao động trị liệu cho 100% học viên vào cai nghiện sau khi được hoàn thành quy trình cắt cơn, giải độc; 6 tháng đầu năm 2024 đã tổ chức 02 lớp dạy nghề Xây dựng cho 60 học viên, đang lập hồ sơ đào tạo nghề cơ khí hàn cho 60 học viên. Thông qua hình thức liên doanh, liên kết với các cơ sở kinh doanh gia công vàng mã để tổ chức cho học viên tham gia lao động trị liệu; tổ chức trồng rau màu các loại; chăn nuôi gia súc, gia cầm để bổ sung ngồn thực phẩm tăng thêm vào bữa ăn hàng ngày cho học viên. Học viên tham gia lao động trị liệu được cấp đồ bảo hộ lao động đầy đủ theo quy định.

Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu thăm khu lao động - trị liệu của học viên.

Hoạt động triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024

Cơ sở đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy bằng các hoạt động thiết thực: tổ chức tuyên truyền qua hệ thống panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đến toàn thể cán bộ và học viên; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Quỳ Hợp tổ chức buổi làm việc, trao đổi với chính quyền, đia phương và thân nhân học viên để chia sẻ thông tin, tạo tâm lý tin tưởng cho gia đình khi đưa con em mình vào cai nghiện; phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Nghi Lộc tổ chức xét xử lưu động tại Cơ sở nhằm tuyên truyền cho học viên nhận thức về pháp luật; tổ chức mít tinh và giao lưu thể thao với các đơn vị.

Khó khăn, vướng mắc

Do số lượng học viên tiếp nhận đông, vượt quy mô, công suất nên nơi ở, sinh hoạt và các đồ dùng thiết yếu phục vụ học viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng theo định mức quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Tỷ lệ học viên sử dụng ma túy tổng hợp cao nên thường xuyên bị loạn thần; một số học viên có nhiều tiền án, tiền sự, nhiễm HIV/AIDS nên thường xuyên có hành vi kích động, chống đối, thậm chí sử dụng hung khí chống đối cán bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý học viên.

Kết thúc buổi làm việc, bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Cơ sở trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy tại các địa phương còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, như: cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở cai nghiện chưa hoàn thiện theo quy định; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức, người lao động tại cơ sở còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nhân sự có chuyên môn về y tế…

Trước mắt, đề khắc phục những tồn tại nêu trên, Cục trưởng đề nghị Lãnh đạo, viên chức, người lao động tại Cơ sở tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy kết quả đã đạt được, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương trong việc tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc và tự nguyện; kịp thời tham mưu Lãnh đạo Chi cục PCTNXH và Sở LĐTBXH tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động thực hiện có hiệu quả dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy” đối với nhóm nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy; sơ kết, đánh giá và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về cai nghiện ma túy, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và Cơ sở./.

Thanh Huyền