Thành phố Hà Nội: Tích cực thực hiện các mô hình “vùng xanh” trong công tác phòng, chống ma túy Ngày đăng: 03/10/2024
Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, Thành phố Hà Nội luôn chủ động, tiên phong trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống, kiểm soát ma túy nói riêng theo Chỉ thị số 36/CT-TW của Bộ Chính trị. Theo đó, ngày 10/9/2024, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về việc xây dựng “Tổ dân phố, thôn không ma túy” và “Xã, phường, thị trấn không ma túy” trên địa bàn Thành phố.

Kế hoạch được ban hành nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thời gian tới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành và đặc biệt phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, mọi tầng lớp Nhân dân Thành phố…; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm cấp cơ sở; Tập trung xây dựng, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật để phòng ngừa và kiểm soát sự gia tăng về số người nghiện và sự dụng trái phép chất ma túy, tăng cường nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn…hướng đến mục tiêu duy trì vững chắc và tăng dần số tổ dân phố, thôn, xã, phường, thị trấn “không ma túy”, tiến tới xây dựng “quận, huyện, thị xã không ma túy”.

Mục tiêu cụ thể được đặt ra:

(1) 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, trên địa bàn Thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng, chống ma túy; 100% Tổ dân phố/Thôn được tiếp cận thông tin truyền thông phòng, chống ma túy ít nhất 01 lần/quý; 100% các trường học (THCS, THPT, trường dạy nghề...) tiếp cận thông tin tuyên truyền và tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy dưới mọi hình thức; phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng “Trường học không ma túy”.

(2) 100% người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện và lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định; 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy trở về địa phương được lập hồ sơ đưa vào quản lý người sau cai nghiện ma túy ở nơi cư trú; Trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng;…

(3) Không để tiềm ẩn sản xuất, ổ nhóm, đối tượng đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn mà không được phát hiện; Triệt xóa 100% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, nơi trồng cây có chứa chất ma túy trái phép, không đề xuất hiện tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy, không để phát sinh tụ điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn Thành phố gây bức xúc dư luận; Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy.

(4) 100% Tổ dân phố, thôn, xã, phường, thị trấn được tiếp cận thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy và quan điểm, mục tiêu xây dựng các mô hình “vùng xanh“ phòng, chống ma túy; “Tổ dân phố, thôn không ma túy”“Xã, phường, thị trấn không ma túy”.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

(1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, phát huy vai trò quản lý của UBND cấp xã trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

(2) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động phòng, chống ma túy, phòng ngừa phát sinh tội phạm ma túy và giảm người nghiện ma túy trên địa bàn phường, xã, thị trấn.

(3) Tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm ma túy ở địa bàn phường, xã, thị trấn.

(4) Rà soát, thống kê, phân loại tình trạng tệ nạn ma túy tại xã, phường, thị trấn; phân loại người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và lập hồ sơ quản lý.

(5) Tăng cường lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, làm tốt công tác vận động cai nghiện tự nguyện, tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; quản lý, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, phòng tái nghiện.

(6) Tổ chức cho các tổ dân phố, thôn, xã, phường, thị trấn đăng ký, cam kết xây dựng xã, phường, thị trấn “không ma túy”; tiếp tục triển khai nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình, phong trào, cuộc vận động phòng, chống ma túy trên địa bàn tổ dân phố, thôn, xã, phường, thị trấn.

(7) Tổ chức rà soát, phân loại xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn theo tính chất mức độ tệ nạn ma túy để tập trung đầu tư, chỉ đạo cho phù hợp, kiểm tra đánh giá, bình xét cấp giấy chứng nhận “Xã, phường, thị trấn không ma túy” và “Tổ dân phố, thôn không ma túy”.

Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số Sở, ngành nòng cốt trong công tác này:

Công an Thành phố là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 89 Thành phố trong việc tham mưu, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng “Tổ dân phố, thôn không ma túy” và “Xã, phường, thị trấn không ma túy” trên địa bàn Thành phố. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống và triệt phá đường đây, tự điểm mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn Thành phố…

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Tích cực triển khai, tập trung hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; Phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý người sau cai nghiện ma túy tại địa phương; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy, các mô hình, điển hình về công tác cai nghiện có hiệu quả, các xã, phường làm tốt công tác phòng, chống ma túy,… thực hiện tốt phong trào "Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng"”; Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở cai nghiện ma túy và triển khai thí điểm mô hình trọng điểm; Chỉ đạo, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn Thành phố.

Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế cấp xã tổ chức tốt việc phối hợp với các ngành địa phương trong việc xác định tình trạng nghiện ma túy; tiếp tục phối hợp để triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Duy trì hoạt động các cơ sở điều trị Methadone, phối hợp với các ngành chức năng quản lý tốt số người đang điều trị bằng Methadone. Chủ động phối hợp với cơ quan Công an nơi có Cơ sở điều trị Methadone, để bảo vệ an ninh trật tự tại nơi cơ sở trú đóng./.

Nhật NL