Nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người cho người dân Ngày đăng: 23/07/2024
Nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ và người dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, góp phần làm giảm nguy cơ bị mua bán, và kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng, một số tỉnh, thành phố triển khai Hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn chính sách pháp luật trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho cán bộ và người dân tại các xã, phường, thị trấn.

Ngày 4/7/2024, Sở Lao động - Thương binh Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền tại Uỷ ban nhân dân xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ cho các tổ chức đoàn thể, trưởng xóm, Bí thư chi bộ 13 xóm xã với 70 đại biểu về tham dự. Sự kiện này nhằm lan tỏa thông điệp và hưởng ứng "Ngày Thế giới Phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng chống mua bán người” vào ngày 30/7.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được cán bộ Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tuyên truyền về tầm quan trọng của việc phòng, chống mua bán người. Đồng thời, cũng được phổ biến về các chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cộng đồng.

Tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng, chống mua bán người và cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, việc xác minh và xác định nạn nhân bị mua bán trở về. Từ đó, đề xuất các giải pháp chính sách, pháp luật, và các cơ chế thực hiện tốt hơn cho việc hỗ trợ nạn nhân.

Từ ngày 11 đến 12/7, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp với UBND phường Yên Nghĩa, Phú Lương, quận Hà Đông, tổ chức Hội nghị tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2024.

Hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn chính sách pháp luật trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho cán bộ và người dân tại các xã, phường, thị trấn và nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ và người dân trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Báo cáo chia sẻ tại hội nghị cho biết, từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào. Trong quý 1/2024 tổng số vụ án thụ lý điều tra là 84 vụ, trong đó có 223 đối tượng phạm tội và 178 nạn nhân. Tội phạm mua bán người được phát hiện với nhiều thủ đoạn khác nhau như: Việc nhẹ lương cao, môi giới hôn nhân, xuất khẩu lao động sang Campuchia, Myanmar,... hoặc thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo để thành lập các hội nhóm tiếp cận tới những hoàn cảnh khó khăn, ít học, thất nghiệp, nợ nần. Nhóm tội phạm này thường có những mục đích phi nhân đạo với các nạn nhân như bắt họ lao động khổ sai, cưỡng bức bán dâm, làm việc như tình trạng nô lệ, thậm chí còn lấy đi các bộ phận cơ thể của nạn nhân.

Tại hội nghị tuyên truyền, đại diện Đội công tác tình nguyện các các phường, Chi Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, Cựu chiến binh, Hội Nông dân… đã được cán bộ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội phổ biến các nội dung cơ bản của Luật phòng chống mua bán người hiện nay.

Nội dung tuyên truyền bám sát các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đảm bảo tính chính xác, khách quan và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Thông qua hội nghị nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác phòng, chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân để giải đáp và hướng dẫn kịp thời; tham mưu, kiến nghị, đề xuất những nội dung vượt quá thẩm quyền.

Hội nghị đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cán bộ, ban ngành địa phương, đội công tác xã hội và hội viên phụ nữ về tình hình tội phạm, kỹ năng nhận diện để phòng chống tội phạm mua bán người và nắm được các kỹ năng phòng ngừa để nêu cao tinh thần cảnh giác tự bảo vệ mình và người thân.

K.Dung (t/hợp)