Đà Nẵng: Đồng bộ công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện ma túy theo Chỉ thị số 36-CT⁄TW Ngày đăng: 15/07/2024
Trong giai đoạn 2019 - 2014, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn TP Đà Nẵng tiếp tục diễn biến phức tạp, số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu được phát hiện có xu hướng gia tăng hàng năm, số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp, trong đó có Methamphetamine (ma túy đá), cần sa tổng hợp (cỏ mỹ)... trong giới trẻ ngày càng tăng cao. Đồng thời, người nghiện ma túy lợi dụng hoạt động tại vũ trường, quán bar, karaoke và dịch vụ lưu trú... để sử dụng trái phép chất ma túy tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

 

Nâng cao nhận thức về phòng, chống và cai nghiện ma túy

Trước tình hình trên, thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (Chỉ thị 36-CT/TW) thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, kéo giảm tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy; chú trọng hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người sau cai nghiện ma túy, đồng thời nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy.

Tại Báo cáo số 148/BC-SLĐTBXH ngày 25/6/2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) cho biết, tính đến ngày 15/5/2024, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 1.398 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý, gồm có 780 người nghiện ma túy và 618 người sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong số người nghiện ma túy có 52 người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, 466 người tại cơ sở cai nghiện (bắt buộc: 417 người, tự nguyện: 49 người), 18 người trong các trại giam.  Thành phần người sử dụng trái phép chất ma túy khá phức tạp, gồm: học sinh, sinh viên: 10 người, công nhân: 101 người, nông dân: 35 người, thành phần khác: 472 người. Loại ma túy sử dụng có cần sa: 42 người, heroin: 03 người, ketamin: 62 người, methamphetamin: 174 người, nhóm amphetamin: 08 người, thuốc lắc: 198 người, ma túy tổng hợp khác: 36 người, và 95 người sử dụng “kép” nhiều loại ma túy. 

Triển khai Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, Sở LĐ-TBXH phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND thành phố ban hành 02 Nghị quyết, 02 Kế hoạch về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; Sở cũng ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tạo hành lang pháp lý để các đơn vị, địa phương thực hiện công tác tổ chức cai nghiện tập trung cũng như công tác quản lý, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận  thức trong toàn xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu  rộng về nội dung Chỉ thị 36-CT/TW… trên các báo, đài, website, fanpage của các đơn vị như: phát sóng 13 phóng sự trên Đài Phát thanh  - Truyền hình thành phố; cấp phát 192.382 sổ tay, tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong học đường; xây dựng 03 clip truyền thông phòng, chống ma túy và các chính sách hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy...

Phối hợp với Sở  Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi  “Sáng tác phim ngắn về  phòng, chống tệ  nạn ma túy trong học đường” năm 2021 và 2023, “Vẽ  tranh tuyên truyền về  phòng, chống tệ  nạn ma túy trong trường học” năm 2022 cho học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn.

Đối với công tác cai nghiện bắt buộc, trong 5 năm qua, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận, quản lý, điều trị cai nghiện cho 2.619  người, trong đó cai nghiện tự nguyện 415 người, 47 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; giải quyết hòa nhập cộng đồng cho 2.237 người (trong đó 1.932  người được miễn, giảm thời hạn cai nghiện).

Đối với công tác quản lý và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện ma túy, giai đoạn 2020-2024, toàn thành phố có 2.543 lượt người quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú (tính đến ngày 15/5/2024, thành phố có 331 người đang quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú). Các ngành, địa phương đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên, giúp đỡ 730 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 355 triệu đồng; giới thiệu tìm việc làm cho 15 người; hỗ trợ sinh kế cho 356 người với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng và hỗ trợ vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm cho 9 trường hợp có nhu cầu với số tiền 180 triệu đồng...

Giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc

Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát. Một số vấn đề khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện đã được thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc.

Một số địa phương chưa chú  trọng  đến công tác tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Việc triển khai công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP còn khó khăn vì hiện nay chưa có tổ chức, cá nhân đảm bảo đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ được thành lập theo quy định. Bên cạnh đó, chưa có quy định định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ cai nghiện ma túy.

Công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tại cấp xã còn hạn chế do một số người nghiện trở về cộng đồng thường xuyên di biến động và khó tiếp cận; bản thân và thân nhân gia đình một số trường hợp còn tỏ ra tự ti, mặc cảm không hợp tác với chính quyền địa phương. Vấn đề hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai còn khó khăn do bản thân người nghiện chưa thật nỗ lực, trình độ học vấn thấp và rào cản của xã hội như sự  kỳ thị, phân biệt đối xử còn lớn.

Nhận thức người dân về tác hại của ma túy, các chất hướng thần còn hạn chế nên một  bộ phận trong giới trẻ sử dụng ma túy trái phép tiếp tục gia tăng. Người nghiện chưa sẵn sàng phối hợp thực hiện các biện pháp cai nghiện, nhất là đăng ký cai nghiện tự nguyện;...

Nhằm tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, TP Đà Nẵng tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác phòng, chống và cai nghiện túy cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, chú trọng đến đối tượng đích về tác hại của tệ nạn ma túy; đầu tư nguồn lực, phương pháp truyền thông đa dạng thông qua hình ảnh, phóng sự, video, mạng xã hội... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn cho người nghiện và gia đình họ trong việc tự nguyện đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp.

Hai là, tập trung triển khai có hiệu quả Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ và rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện công lập. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật, dạy văn hóa, dạy nghề, hướng nghiệp cho học viên cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bốn là, tăng cường tổ chức tập huấn chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực tiếp làm công tác cai nghiện ma túy.

Năm là, chú trọng quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội đối với người sau cai nghiện ma túy như: hỗ trợ về y tế, tâm lý, pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ sinh kế, học nghề, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm...

Kiến nghị, đề xuất

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ  thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, đối với TP Đà Nẵng nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, đề nghị các bộ, ngành quan tâm ban hành đồng bộ các quy định để tạo hành lang pháp lý cho các địa phương thực hiện, cụ thể: Ban hành kịp thời quy định định mức kinh tế - kỹ thuật về giá dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện đối với cơ sở cai nghiện ma túy công lập và tại gia đình, cộng đồng.

Xem xét, sửa đổi Thông tư số 152/2016/TT-BTC theo hướng nâng mức hỗ trợ kinh phí học nghề sơ cấp 3 tháng từ  2.000.000 đồng/người/khóa học lên 4.000.000 đồng/ người/khóa học quy định tại khoản 1 Điều 7, đảm bảo hiệu quả phối hợp giữa cơ sở cai nghiện ma túy với các cơ sở dạy nghề theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư số 62/2022/TT-BTC về “Chi phí học nghề ngắn hạn” đối với người cai nghiện bắt buộc.

Nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hiệu áp dụng và chế tài xử lý đối với cá nhân, cơ quan lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo khoản 2 Điều 44 Nghị  định số 116/2021/NĐ-CP, nhằm hạn chế trường hợp trễ hạn khi đối tượng đã được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của cơ quan thẩm quyền.

Đối với các cơ quan như Công an, Tòa án nhân dân cần có quy định về văn bản xử lý tiếp theo như gia hạn thời gian theo Lệnh bắt tạm giam hay Bản án quyết định xử phạt tù đối với đối tượng tại điểm d khoản 3 Điều 58 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên đang cai nghiện bắt buộc mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội… được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” để cơ sở cai nghiện ma túy có căn cứ đề nghị miễn chấp hành phần thời gian cai nghiện còn lại tại cơ sở đối với đối tượng đó./.

Như Ngọc