Tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV⁄AIDS Ngày đăng: 27/10/2014
Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội vào hoạt động phòng, chống HIV⁄AIDS là một trong những chiến lược tích cực được triển khai mạnh mẽ thời gian qua. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức xã hội hiện nay đang gặp không ít khó khăn do nguồn kinh phí chủ yếu là từ các tổ chức quốc tế đang dần bị cắt giảm; nhận thức về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội còn hạn chế…

Theo báo cáo của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, mạng lưới các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS ngày càng phát triển mạnh mẽ với độ bao phủ ngày càng lớn. Chỉ tính riêng Dự án thành phần VUSTA, đến hết tháng 6/2014 đã xây dựng được hệ thống cộng đồng với 83 tổ chức xã hội cấp cơ sở, hỗ trợ việc hình thành và phát triển một số mạng lưới như Mạng lưới người sống chung với HIV (VNP+), Mạng lưới hỗ trợ người sử dụng ma túy tại Việt Nam. Các tổ chức xã hội trên cũng đã tổ chức được 293 khóa tập huấn, cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho trên 30.000 người cùng nhiều hoạt động khác. Dự án cũng quan tâm đến việc hỗ trợ mở rộng và tăng cường năng lực cho các mạng lưới, tham gia vận động chính sách tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội và mạng lưới trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Vai trò của các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS đã được chứng minh với những đóng góp khác nhau tùy vào chức năng và khả năng của từng tổ chức, với các hoạt động như thực hiện dự phòng ở cấp cộng đồng qua việc thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, giáo dục đồng đẳng, tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, can thiệp giảm hại, chuyển gửi khách hàng đến phòng khám ngoại trú và hỗ trợ tuân thủ điều trị, cũng như góp phần vận động chính sách phòng, chống HIV/AIDS…Đánh giá về vai trò của các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, tại Hội thảo Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, tuy sự tham gia của các tổ chức xã hội rất cần thiết và đóng vai trò tích cực, nhưng trên thực tế lại thiếu một khuôn khổ pháp lý nhất quán cho việc đăng ký và quản lý các tổ chức xã hội. Chưa kể đến, nguồn tài trợ thiếu bền vững, hầu hết phụ thuộc vào tài trợ quốc tế. Cùng với đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử cũng là những rào cản lớn đối với việc cung cấp dịch vụ và sự tham gia của người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay nước ta đã kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV; từng bước đạt được ba giảm là giảm số người mới được phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS giảm nhưng chưa bền vững, các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV biến đổi phức tạp, mức độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế và HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Trong khi nguồn đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS trong những năm gần đây bị cắt giảm mạnh, các chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS được giao ngày càng cao đã gây khó khăn cho công tác này.  
Theo kinh nghiệm quốc tế, tăng cường hơn nữa việc trao quyền cho các tổ chức cộng đồng để họ đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp gia tăng chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời tạo ra những lợi ích lâu dài cho sự nghiệp phát triển con người và phát triển xã hội. Việt Nam đang ở thời khắc quan trọng để tiếp tục đối đầu thành công với dịch HIV/AIDS. Do vậy, cần xem xét các giải pháp nhằm tăng tính hiệu quả và khả năng bền vững của công cuộc phòng chống HIV. Đây là điều quan trọng đối với những người hoạch định chính sách và quản lý, bởi vì các tổ chức này đang trên tuyến đầu của cuộc chiến với dịch HIV/AIDS.
Để các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS hoạt động hiệu quả, góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, theo Giám đốc Dự án thành phần VUSTA Đỗ Thị Vân, cần tập hợp tiếng nói từ cộng đồng đưa lên cấp Trung ương để các rào cản dần được tháo gỡ. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các mạng lưới thì vận động chính sách và tạo môi trường thuận lợi là 2 hoạt động quan trọng trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng cần huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức xã hội thông qua các hình thức như tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin; hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực cho các tổ chức xã hội và các tổ chức phi chính phủ; chuyển giao cho các tổ chức xã hội và các tổ chức phi chính phủ các hoạt động mà họ có thế mạnh. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa hệ thống y tế và hệ thống cộng đồng; nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội và các tổ chức phi chính phủ. Hỗ trợ tài chính cho các tổ chức xã hội và các tổ chức phi chính phủ từ ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án viện trợ. Tổ chức đấu thầu để các tổ chức xã hội có cơ hội bình đẳng trong việc tham gia cung cấp các dịch vụ…
 

daibieunhandan.vn