Theo CNN đưa tin, chiến dịch kéo dài từ ngày 01/10 đến 14/11. Số ma tuý bị thu giữ trong chiến dịch Orion phần lớn là cần sa cùng khoảng 225 tấn cocaine và các loại ma tuý khác có tổng giá trị 8,4 tỷ USD, nhiều hơn bất cứ chiến dịch nào khác trong lịch sử. Chiến dịch có sự tham gia của Colombia, Mỹ, các nước EU, Australia...
Điểm nhấn của chiến dịch này là việc các nước phối hợp tịch thu 6 tàu ngầm chở ma tuý, bao gồm một chiếc đang trên đường chuyển 5 tấn cocaine từ Colombia đến Australia. Australia là thị trường béo bở cho các băng đảng, khi giá cocaine tại đây cao hơn ở Mỹ 3-6 lần.
“Khi nhà chức trách Colombia tịch thu chiếc tàu ngầm đầu tiên trong 6 tàu ngầm nêu trên, họ đã tìm thấy một tấm bản đồ có các tuyến đường biển mà tội phạm sử dụng. Chiếc mang 5 tấn cocaine đi Australia là chiếc thứ 3 trong 6 chiếc bị bắt”, ông Grisales cho biết.
"Chiếc tàu ngầm đầu tiên đó bị phát hiện ở vùng biển Colombia. Nhờ bản đồ mà nó mang theo, chúng tôi đã phát hiện tuyến đường mà tội phạm sử dụng. Đó là lúc chúng tôi bắt đầu làm việc với chính quyền Australia", ông Grisales thông tin thêm.
Theo Foxnews, tàu ngầm thường được các băng đảng tội phạm sử dụng để đưa ma túy từ Nam Mỹ đi các nước bằng đường biển. Chúng thường dài từ 10-25m, di chuyển thấp dưới mặt nước nên khó bị phát hiện.
Những chiếc tàu ngầm bị bắt trong chiến dịch Orion gây bất ngờ vì chúng có khả năng di chuyển 15.000-16.000km liên tục mà không cần nạp nhiên liệu, theo ArabNews.
Theo tờ Guardian đưa tin ngày 27/11, hơn 400 người bị bắt trong cuộc trấn áp kéo dài 45 ngày, nhiều chuyến hàng vũ khí và buôn người di cư bị ngăn chặn.
Đại úy Manuel Rodríguez, giám đốc đơn vị chống ma túy của Hải quân Colombia, cho biết: "Thành quả này sẽ ngăn chặn hàng ngàn ca tử vong do dùng thuốc quá liều và chặn 8,5 tỉ USD đến tay các băng đảng ma túy".
Hải quân Colombia cho rằng thành công mang tính lịch sử này là nhờ sự hợp tác chưa từng có giữa 62 quốc gia và các tổ chức như Viện Royal United Services, một tổ chức nghiên cứu của Anh chuyên nghiên cứu cách các băng đảng ma túy Colombia và Mexico buôn lậu ma túy mà không bị phát hiện.
Cơ quan Liên Hợp Quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) ước tính 2.700 tấn cocaine được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm. Kỷ lục thu giữ cocaine theo năm của Colombia là 671 tấn, vào năm 2022.
Thành công của chiến dịch Orion được xem là bước ngoặt cho hoạt động chống ma túy quốc tế, cho thấy các chính phủ có thể theo kịp trong "trò đuổi bắt" này, ông Rodriguez nhận xét. Các quan chức kỳ vọng có thể áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện nhiều ma túy được giấu kín hơn.
K.Dung (t/hợp)