Thừa Thiên Huế: Kết quả sau 05 năm thực hiện công tác cai nghiện ma túy theo Chỉ thị 36-CT⁄TW Ngày đăng: 08/07/2024
Thừa Thiên Huế nằm trên tuyến Bắc miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây, có đường biên giới 86 km tiếp giáp với nước bạn Lào tại địa bàn huyện A Lưới; là trung tâm du lịch, y tế, giáo dục của khu vực miền Trung và cả nước. Những yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội... cũng là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.

 

 

 

 

Sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành

Những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã chủ động tham mưu triển khai nhiều giải pháp về phòng, chống ma túy để kiềm chế gia tăng số lượng người nghiện ma túy.

Theo báo cáo số 145/BC-LĐTBXH ngày 20/6/2024 của Sở  LĐ-TBXH về việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý (Chỉ thị 36-CT/TW), hiện toàn tỉnh có 451 người người nghiện ma túy, trong đó: 443 nam, 08 nữ; độ tuổi: dưới 16 là 01 người, từ 16 đến 18 có 04 người, từ 18 đến 30 có 116 người, trên 30 là 280 người. Số người nghiện ma tuý đang cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là 167 người; cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma tuý là 57 người; 8/9 huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện người nghiện ma túy (trừ huyện Nam Đông); xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, chiếm 80,85%.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động, ban hành nhiều văn bản phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ cai nghiện và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn. Phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch tổng rà soát, thống kê và tổ chức biện pháp quản lý người nghiện, người nghi nghiện các chất ma túy trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, Sở LĐ-TBXH đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành 02 Nghị quyết; trình UBND tỉnh ban hành 08 Quyết định và 08 Kế hoạch liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, đặc biệt là các kê shaohcj, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Phối hợp với các cơ quan: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở Y tế, Đoàn TNCSHCM và UBND cấp tổ chức nhều hoạt động tuyên truyền: Tổ chức trên 100 lớp tập huấn kiến thức cơ bản về tư vấn và điều trị nghiện, tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội cho cán bộ là Ban chủ nhiệm các Điểm tư vấn cai nghiện ma túy, Điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; báo cáo viên tuyên truyền ở cơ sở với sự tham gia của gần 14.500 lượt người; phát hành gần 70.500 các loại tờ rơi, áp phích; 536 cuốn tạp chí tuyên truyền về phòng chống và cai nghiện ma túy; 200 cuốn sổ tay “Giúp bạn cai nghiện ma túy thành công”; xây dựng mới 6 panô truyền thông về phòng ngừa tệ nạn ma túy...

Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế tổ chức triển khai các mô hình phòng ngừa tệ nạn ma túy, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên về hiểm họa, tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội; ký cam kết phòng chống ma túy ở các trường học, tổ chức 14 đợt truyền thông phòng chống, dự phòng nghiện ma túy với gần 3.500 người tham gia; 40 đợt tập huấn, tuyên truyền về phòng chống tệ nạn ma túy cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; tổ chức tập huấn cho thành viên Tổ công tác cai nghiện ma túy tại 141 xã, phường, thị trấn về cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Năm 2019, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đầu tư kinh phí 3,5 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa các hạng mục như cải tạo khu vực dạy nghề thành khu nhà ở cho học viên nữ và đối tượng vị thành niên; nâng cấp 02 khu nhà ở của học viên cai nghiện. Đến năm 2020, tiếp tục được đầu tư kinh phí để sửa chữa, xây mới hàng rào bao quanh Cơ sở cai nghiện ma túy và mua sắm một số trang thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời.

Khó khăn trong tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Nhờ triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, công tác phòng chống và cai nghiện ma túy thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự vững chắc, một số chỉ tiêu kế hoạch hàng năm về công tác này chưa hoàn thành theo kế hoạch đề ra, như: số người cai nghiện tự nguyện chưa đạt chỉ tiêu giao; số người sau cai nghiện được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn ít.

Thực tế hiện nay, công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, tự nguyện tại cộng đồng chưa đạt hiệu quả, tỷ lệ người tham gia còn ít, hầu hết người nghiện, gia đình người nghiện thường không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện. Việc theo dõi cảm hóa, hỗ trợ, giúp đỡ gặp nhiều khó khăn, do họ thường xuyên lẩn trốn, không hợp tác với cơ quan chức năng; UBND cấp huyện chưa thực hiện việc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Điều 21 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, chưa bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định.

Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã triển khai tại một số địa phương, đây là mô hình thí điểm mang lại cách tiếp cận mới trong công tác tư vấn cai nghiện ma túy, tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này cần phải có chính sách cụ thể và đầu tư, bố trí nguồn lực để thực hiện nói chung.

Thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc cho người sau cai nghiện ma túy ở địa phương cũng chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi.

Một số khuyến nghị

Để tiếp tục thực tốt công tác này ở Thừa Thiên Huế nói riêng và ở tất cả các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước nói chung, đề nghị bố trí kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp  cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Cơ sở cai nghiện ma túy đảm bảo theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác cai nghiện ma túy, dạy nghề cho học viên cai nghiện.

Đối với Bộ LĐ-TBXH, đề nghị sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ cai nghiện ma túy làm cơ sở cho các địa phương ban hành đơn giá dịch vụ công, sử dụng ngân sách nhà nước để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở cai nghiện ma túy công lập; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị và duy trì hoạt động các mô hình Điểm tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng./.

Như Ngọc