Cảnh báo lừa đảo tuyển dụng trực tuyến để bóc lột lao động Ngày đăng: 28/06/2024
Tin theo lời hứa "việc nhẹ lương cao", nhiều nạn nhân được đưa vào làm việc tại các ổ nhóm lừa đảo trực tuyến, bị thu giấy tờ, ép phạm tội, thậm chí bị đánh đập và phải trả khoản tiền lớn nếu muốn nghỉ việc… Đối tượng bị lừa đảo chủ yếu là nam thanh niên trẻ có nhu cầu tìm việc, một số có trình độ nhất định.

 

 

 

 

Nhận diện nạn nhân và các hành vi lừa đảo

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tình trạng công dân Việt Nam bị lừa đảo tuyển dụng trực tuyến chủ yếu diễn ra một số nước như Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia (trung chuyển qua Thái Lan) làm việc tại các sòng bài, cơ sở game online.

Trong 978 trường hợp được IOM và đối tác hỗ trợ trong năm 2023 trên toàn khu vực, có đến 76% nạn nhân là nam; 90% nạn nhân ở độ tuổi 18-35 tuổi và 50% có trình độ học vấn cao, có khả năng tin học cơ bản, biết đa ngôn ngữ là lợi thế (có thể nói tiếng Trung Quốc hoặc Tiếng Anh được hướng đến làm việc cho “thị trường toàn cầu”, trong khi những người nói tiếng Việt thì tập trung vào thị trường Việt Nam).

Thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng cho hay, công dân Việt Nam được xác định chiếm lượng lớn trong số các nạn nhân bị mua bán đến các tổ hợp lừa đảo trong khu vực.

Bà Phan Thị Minh Giang - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng: vấn đề này đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý di cư, mặc dù cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo.

Theo bà Giang, nạn nhân là công dân Việt Nam bị lừa đảo được chia ra 2 loại: nạn nhân bị mua bán và nạn nhân lừa đảo. Điều đáng ngại là, sau đó phần lớn đều đi lừa đảo, lôi kéo bạn bè, nạn nhân để đủ chỉ tiêu mà chủ sử dụng lao động ép. Nhiều người tham gia như một mắt xích của vụ án, nhiều trường hợp không mong muốn được giải cứu.

Qua nắm bắt của các cơ quan điều tra, vài năm trở lại đây xuất hiện các đường dây lừa đảo tuyển dụng có sự tham gia của người Việt Nam thông qua lời mời công việc hứa hẹn nhiều lợi ích trong các ngành nghề mới như: bán hàng, tiếp thị và quản lí nhân sự ở Thái Lan, Philippines và Malaysia.

Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người sử dụng các nền tảng mạng xã hội trực tuyến, đáng chú ý nhất là Facebook (95%) và Zalo (93%) để chia sẻ thông tin và liên lạc với các đơn vị tuyển dụng và môi giới.

Các nạn nhân có đặc điểm chung là thường gặp khó khăn khi tìm việc trong nước, được hứa hẹn về công việc trả lương cao; nắm được các thông tin tuyển dụng qua các mối quan hệ làm quen, kết bạn trên mạng xã hội.

Trước khi khởi hành, nạn nhân được đào tạo kỹ năng tin học, được tuyển để làm “chăm sóc khách hàng” hoặc “kinh doanh/bán hàng”.

Mặc dù nhận thức được rủi ro, các cá nhân vẫn đặt niềm tin và sẵn sàng đi theo những người trong cộng đồng của mình đã di cư và đạt được thành công.

Người lao động cần trang bị gì trước khi ra nước ngoài làm việc?

Bà Park Mi-Hyung - Trưởng đại diện Phái đoàn IOM tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh số lượng người di cư quốc tế ngày càng gia tăng, các nhân tố lôi kéo và thúc đẩy di cư ngày càng phức tạp, đa dạng, cùng với tình trạng tội phạm mua bán người nhằm cưỡng ép thực hiện hành vi phạm tội đang diễn biến phức tạp trong khu vực… thì việc nâng cao nhận thức về di cư an toàn và tăng cường bảo hộ người di cư càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Trước nguy cơ ngày càng tăng về tuyển dụng để bóc lột lao động tại các cơ sở lừa đảo trực tuyến ở nước ngoài, bà Phan Thị Minh Giang khuyến cáo những người có ý định đi làm việc nước ngoài phải tìm hiểu thông tin về chương trình hợp tác lao động giữa Việt Nam và các nước; thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp dịch vụ đưa người Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng được đăng tải trên các kênh thông tin của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước.

Người lao động chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài nên trang bị về trình độ, chuyên môn và tìm hiểu chính sách pháp luật của Việt Nam cũng như nước sở tại về cách ứng xử trong đời sống, quan hệ lao động, về những vấn đề liên quan đến phòng chống mua bán người.

“Những thông tin trên đều được cung cấp trong các chương trình giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, bà Giang nhấn mạnh.

Ngoài ra, người lao động cần chủ động tăng cường về ngôn ngữ để tránh rào cản trong giao tiếp để tiếp cận thông tin một cách chủ động. Khi gặp các vấn đề xảy ra trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động cần phải khiếu nại với người sử dụng lao động và qua các kênh được pháp luật sở tại cho phép, các chương trình hợp tác lao động đã có các cơ quan đầu mối.

Đối với những người đi làm việc ở nước ngoài không thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng hoặc chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước ở các địa phương thì phải tìm hiểu kỹ về thông tin tuyển dụng lao động như: Công việc gì? Hợp đồng lao động có tin cậy không? Địa điểm làm việc như thế nào? Chế độ quyền lợi ra sao?… để tránh rơi vào bẫy tuyển dụng, bị lừa đảo cưỡng bức lao động hoặc thậm chí là bị mua bán.

Theo bà Phan Thị Minh Giang: “Trong tình huống xảy ra khủng hoảng khẩn cấp ở nước ngoài thì công dân Việt Nam nói chung cũng như người lao động Việt Nam nói riêng cần liên hệ ngay lập tức với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thông qua đường dây nóng, qua tổng đài bảo hộ lao động Việt Nam ở nước ngoài và tuân theo hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để được tiếp nhận thông tin một cách nhanh nhất và được hỗ trợ kịp thời”.

Giải pháp thúc đẩy di cư an toàn

Để tăng cường các biện pháp đảm bảo di cư an toàn và trật tự đối với công dân, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về các kênh di cư hợp pháp, những rủi ro của các kênh di cư không chính thức, di cư trái phép hướng đến các đối tượng cụ thể, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác chặt chẽ với các nước tiếp nhận, các nước trung chuyển; phát hiện điều tra xử lý các đường dây mua bán trái phép người nhằm mục đích cưỡng bức lao động; hợp tác để tạo thành các kênh di cư hợp pháp an toàn, qua đó ngăn chặn người lao động tìm cách di cư qua con đường không chính thức.

"Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương để triển khai đồng bộ, tích cực trong công tác bảo đảm di cư hợp pháp an toàn, tạo môi trường di cư minh bạch, an toàn. Thực hiện hiệu quả hơn nữa kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 20/03/2020", bà Phan Thị Minh Giang cho biết.

Để ngăn chặn di cư trái phép ngay từ trong nước, cần có cách tiếp cận đa chiều, như: giáo dục định hướng nghề nghiệp tại các trường phổ thông, đặc biệt với các nhóm có nhu cầu tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Đẩy mạnh truyền thông tập trung vào nhóm thanh niên trẻ đang có nhu cầu tìm việc làm; cảnh báo về nguy cơ “việc nhẹ lương cao”.

“Trên thực tế, không bao giờ có “việc nhẹ lương cao”, tin vào điều này, người lao động có thể bị rơi vào vòng xoáy của tội phạm mạng, tội phạm đưa người di cư trái phép. Thậm chí, họ có thể bị lừa để ép buộc làm các hành vi vi phạm pháp luật”, bà Giang cho hay.

Theo đánh giá, công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo nhiều hình thức đa dạng như thông qua các công ty dịch vụ, các tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; theo chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ mà Việt Nam đã ký kết với một số nước, các chương trình lao động thời vụ, hợp tác lao động qua biên giới ở cấp địa phương với Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ngoài ra, còn có một bộ phận người lao động tự phát, trong khu vực biên giới hoặc ở lại nước ngoài làm việc bằng con đường du lịch./.

Như Ngọc (Theo TCCĐ)