Sơn La: Tăng cường phòng ngừa mại dâm từ cơ sở Ngày đăng: 26/06/2024
Qua rà soát, kiểm tra, hiện trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La không hình thành các điểm, tụ điểm mại dâm; chưa phát hiện các đường dây gái gọi, bảo kê mại dâm. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện cơ bản chấp hành tốt các quy định, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, công tác phòng, chống mại dâm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền

Ngay từ đầu năm 2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm. Theo đó, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã chủ động ban hành, triển khai kế hoạch phòng, chống mại dâm, trong đó, phân công, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân người đứng đầu khi để phát sinh mại dâm trên địa bàn quản lý.

Các huyện, thành phố chủ động rà soát, lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm... trong triển khai các hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Các sở, ngành, cơ quan truyền thông đã chú trọng đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền theo hướng sinh động để thu hút giới trẻ, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng Internet và mạng xã hội. Bên cạnh đó, các hình thức truyền thông trực tiếp, có tính tương tác cao tại cộng đồng, khu dân cư cũng góp phần tạo bước chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống, mại dâm.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, trong 06 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức 235 cuộc tuyên truyền về phòng, chống mại dâm (đạt 64,7% kế hoạch năm 2024), với 32.794 lượt người tham dự; cấp phát 19.491 panô, áp phích, tờ rơi tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm, cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS…

Đáng chú ý, các cơ quan thông tin, truyền thông đã biên tập, đăng tải, phát sóng 200 lượt tin, bài tuyên truyền, trong đó có nội dung bằng tiếng dân tộc như Tiếng H'Mông, tiếng Thái và tiếng phổ thông, tập trung vào nhóm thanh thiếu niên, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa; đồng thời, gắn với các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng xã, phường lành mạnh không tệ nạn xã hội.

Lực lượng chức năng đã phối hợp với Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm cấp tỉnh (Đội 178), UBND các cấp đẩy mạnh quản lý địa bàn; triển khai ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, thường xuyên rà soát, thống kê cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; đấu tranh, triệt phá, kiên quyết xử lý triệt để những hành vi vi phạm pháp luật, không để phát sinh mại dâm tại địa bàn quản lý.

Trong 06 tháng đầu năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra 03 cuộc tại 11 cơ sở lưu trú, 05 cơ sở kinh doanh karaoke và không phát hiện cơ sở vi phạm. Viện kiểm sát tiếp nhận 01 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thụ lý điều tra 02 vụ 04 bị can (trong đó, án cũ 01 vụ - 02 bị can; khởi tố mới 01 vụ - 02 bị can); Toà án thụ lý xét xử 03 vụ 06 bị can (trong đó, có 01 vụ cũ - 02 bị cáo mới; 02 vụ mới - 04 bị cáo).

Tăng cường lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống mại dâm

Toàn tỉnh hiện có 1.045 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm với 1.327 người lao động. Song, công tác thanh, kiểm tra hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm chưa bao phủ được diện rộng; tại một số địa bàn vẫn còn một số cơ sở chưa kịp thời ký hợp đồng lao động, đăng ký tạm trú cho nhân viên theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Sơn La là tỉnh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa có trình độ học vấn hạn chế và tỷ lệ người dân không biết tiếng phổ thông khá cao, nên gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và tiếp cận với pháp luật.

Trong những tháng tiếp theo, UBND tỉnh Sơn La, Sở LĐTBXH, các sở, ngành và UBND các địa phương tăng cường phối hợp trong triển khai công tác phòng, chống mại dâm để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ theo Kế hoạch số 40/KH-UBND. Trong đó, ưu tiên những biện pháp, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm, phòng, chống tệ nạn xã hội; cân đối nguồn lực, lồng ghép nội dung phòng, chống mại dâm trong các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn chính sách, pháp luật chung cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, chú trọng giáo dục phòng ngừa tệ nạn mại dâm từ cơ sở, quản lý chặt chẽ người lao động ngoại tỉnh, nhất là tại các khu vực có đông cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Quản lý, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng các phương tiện thông tin, blog cá nhân và các hình thức khác trên mạng internet để truyền bá nội dung độc hại, tổ chức các hoạt động mại dâm.

Thứ ba, thường xuyên rà soát, thanh tra, kiểm tra trên diện rộng, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong phòng, chống mại dâm và thực hiện tốt các biện pháp quản lý, phòng ngừa tệ nạn mại dâm từ cơ sở; thực hiện việc ký cam kết giữa cơ sở kinh doanh, dịch vụ với UBND cấp xã về không để xảy ra tệ nạn mại dâm tại cơ sở kinh doanh.

Thứ tư, chủ động rà soát, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm các cấp. Kịp thời phát hiện, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, triệt xoá và đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án có liên quan đến hoạt động mại dâm./.

Ngọc Hoàn