Bà Rịa - Vũng Tàu: Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2025 Ngày đăng: 11/10/2024
Từ năm 2021 đến nay, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, trách nhiệm trong công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người và lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em; quan tâm trợ giúp người bán dâm, người sau cai nghiện ma tuý, nạn nhân bị mua bán, tạo điều kiện, cơ hội để hòa nhập với cộng đồng.

Năm 2025, là năm cuối thực hiện các Chương trình giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ về phòng, chống mại dâm; phòng, chống ma túy và phòng, chống mua bán người, đồng thời tiếp tục thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025. 

Nhằm phát huy và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn mà tỉnh đã đề ra, ngày 08/10/2024, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND về thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2025, với 06 nhóm nhiệm vụ được đặt ra, yêu cầu các cấp, các ngành và các thành viên Ban chỉ đạo 138 của tỉnh cần phải triển khai đồng bộ, cụ thể:

(1) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống mua bán người

Công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội phải được xem là trọng tâm, thực hiện truyền thông sâu rộng tại các địa bàn dân cư có nguy cơ cao về tệ nạn mại dâm, ma túy; đặc biệt chú trọng các địa bàn vùng giáp ranh, địa bàn du lịch, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… nhằm tạo ra sự chuyển biến nhận thức của người dân về tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm để tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội có hiệu quả. Đa dạng hoá các hình thức, đưa công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy, chính sách chế độ về tiếp nhận nạn nhân bị mua bán thực sự đi vào đời sống của nhân dân thông qua các kênh truyền thông để người dân có điều kiện tiếp cận.

 (2) Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thông qua tổ chức các hội nghị tập huấn, tổ chức Đoàn đi học tập kinh nghiệm về công tác phòng, chống mại dâm; cai nghiện ma túy, quản lý sau cai, hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại các tỉnh, thành phố.

(3) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thông qua tổ chức Đoàn  kiểm tra, giám sát ở các cấp và phát huy hiệu quả của Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện.

(4) Công tác phòng, chống mại dâm

Không để phát sinh các tụ điểm mại dâm nơi công cộng, nhất là địa bàn thành thị, các khu công nghiệp, các điểm dịch vụ, du lịch..., đặc biệt không để xảy ra tình trạng mại dâm là trẻ em. Tăng cường sự phối hợp giữa Ngành LĐTBXH với ngành Công an, Y tế các cấp trong việc thực hiện kiểm tra, hướng dẫn hoạt động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; điều tra, xâm nhập thực tế các cơ sở nghi vấn hoạt động mại dâm; tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ; tăng cường công tác kiểm tra của Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình thí điểm về phòng, ngừa mại dâm, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma túy; chuyển hóa tích cực các địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm, ma tuý. Củng cố và phát huy vai trò của các Đội công tác xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn tham gia tích cực vào việc phát hiện, đấu tranh, tuyên truyền phòng, chống các tệ nạn mại dâm, ma túy và nguy cơ nhiễm HIV/AIDS tại địa phương, cơ sở.

(5) Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy

 Tiếp tục triển khai và duy trì có hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Thực hiện cai nghiện ma túy cho ít nhất là 1.100 lượt người: Tại cơ sở cai nghiện 1.000 lượt người (bắt buộc 920, tự nguyện 80); Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng 100 lượt người; Công tác tư vấn tại Điểm tiếp nhận cai nghiện ma túy tự nguyện, đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng 2.500 lượt người.

Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình về cai nghiện ma túy và hỗ trợ người sau cai tại cộng đồng.

Huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy với các chương trình giảm nghèo, dạy nghề tạo việc làm...  

(6) Công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Tiến hành khảo sát, thống kê số nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất để tiếp cận các dịch vụ pháp lý, tư vấn, y tế, giáo dục, được hỗ trợ chữa trị, vay vốn, hỗ trợ học bổng, dạy nghề, tạo việc làm và giúp đỡ họ sử dụng vốn vay có hiệu quả nhằm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để các trung tâm môi giới trái pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi hoạt động trái phép, các trung tâm hoạt động trá hình nhằm mục đích môi giới, mua bán người.

Công an các cấp thường xuyên tổ chức rà soát, lập danh sách xác minh, xác định nạn nhân được tiếp nhận, giải cứu thông qua điều tra các vụ án, chuyên án mua bán người.

Sở LĐTBXH cùng các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nạn nhân bị mua bán trở về và cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân nhận được các chính sách của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai hoạt động “Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, số máy 111”./.

                                                                                        Minh Thu