Khó khăn, vướng mắc trong quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết
(1) Nhiều địa phương chưa tổ chức được hoạt động cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (theo quy định tại Điều 30 Luật Phòng chống ma túy 2021 và Điều 21 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP): Công tác này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện "giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thấm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng", nhưng Chủ tịch UBND cấp huyện ở nhiều địa phương vẫn lúng túng chưa biết giao nhiệm vụ này cho đơn vị sự nghiệp công lập nào và tổ chức thực hiện về biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí ra sao. Đến ngày 08/11/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng để thống nhất thực hiện công tác này trên toàn quốc.
Quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị về điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện (khoản 2 Điều 16 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP) là rất cao, không phù hợp với thực tế.
(2) Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 40 Luật phòng, chống ma tuý 2021 quy định thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy được tính kể từ ngày người nghiện ma túy hoàn thành cai nghiện hoặc chấp hành xong quyết định. Tuy nhiên, tại Điều 77 và 78 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, thì thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy được tính kể từ ngày người nghiện ma túy ra UBND cấp xã trình báo về việc hoàn thành cai nghiện tự nguyện hoặc chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc, vì vậy gây khó khăn về thời gian quản lý sau cai tại nơi cư trú.
(3) Một số quy định tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đến nay không còn phù hợp với quy định của Luật, cụ thể: (1) Luật quy định người nghiện khi bị chấm dứt điều trị thì thuộc trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, đối với trường hợp người nghiện tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thì Nghị định quy định không phải xác định tình trạng nghiện, do đó, các trường hợp này không có phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện dẫn đến việc khó khăn trong công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. (2) Theo quy định của Luật, người trong thời gian cai nghiện tự nguyện mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong khi Nghị định quy định, người có xét nghiệm dương tính với các chất dạng thuốc phiện liên tiếp từ 02 lần trở lên (trừ thuốc điều trị thay thế) trong vòng 12 tháng sau khi đã đạt liều điều trị duy trì mới bị loại khỏi chương trình điều trị và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
(4) Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/11/2022 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định: "Mức chi xác định tình trạng nghiện theo giá dịch vụ y tế do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở công lập đủ điêu kiện xác định tình trạng nghiện ma túy". Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa xây dựng Thông tư quy định định mức và đơn giá dịch vụ cho việc xác định tình trạng nghiện. Do đó, không có cơ sở lập dự toán kinh phí hàng năm để đảm bảo nguồn lực cho công tác này.
(5) Nghị định của Chính phủ chưa hướng dẫn đầy đủ nội dung quy định tại Luật
Hóa chất, như: chưa quy đinh Danh mục hóa chất cấm, danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực y tế; Danh mục hóa chất không được sử dụng, hạn chế sử dụng và được sử dụng trong lĩnh vực y tế, hóa chất sử dụng trong phụ gia thực phẩm... Trong khi hóa chất có tính lưỡng dụng trong sản xuất, kinh doanh nhưng cũng có những tác hại và nguy hiểm khi bị các đối tượng lợi dụng kẽ hở trong quản lý để vi phạm pháp luật và phạm tội về ma túy.
(6) Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chông bạo lực gia đình (Nghị định 144) quy định Bộ đội Biên phòng không có thẩm quyền trong xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về ma túy.
Khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thi hành Luật
(1) Về kinh phí: Ngày 05/10/2022, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 62/2022/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy để hỗ trợ kinh phí cho người nghiện đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Do đó, tại các địa phương gặp khó khăn trong việc đề xuất nguồn, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác này trong thời gian từ khi Luật có hiệu lực thi hành (01/01/20202) đến khi Thông tư nêu trên có hiệu lực.
(2) Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy gặp nhiều khó khăn: Việc bán các loại hàng hóa trong lĩnh vực trên mạng rồi gửi qua hệ thống chuyển phát nhanh, giao hàng tận tay người mua (không có địa bàn cụ thể); nhiều doanh nghiệp không khai báo đầy đủ thông tin hàng hóa khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu chưa chủ động báo cáo về tình hình mua bán, sản xuất, phân phối, sử dụng, tồn trữ...; nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ như hộ gia đình (nhất là trong lĩnh vực thú y, các cơ sở sử dụng thuốc thú y phần nhiều là các cơ sở nhỏ lẻ, khi chữa bệnh cho động vật không có hồ sơ điều trị, sử dụng thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất); doanh nghiệp chưa báo cáo đầy đủ hoặc không báo cáo cho đơn vị quản lý số lượng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất, đặc biệt là tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp…Việc trao đổi thông tin giữa đơn vị quản lý chuyên ngành cấp Trung ương với địa phương về tình hình các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn chưa thường xuyên.
(3) Công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy: Một số địa phương chưa chủ động thu thập thông tin, tài liệu về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để tham mưu UBND cấp xã ra Quyết định áp dụng biện pháp quản lý; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo rà soát, lập hồ sơ quản lý; việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ra khỏi địa bàn, người sử dụng trái phép chất ma túy nơi cư trú không ổn định gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, tư vấn, giáo dục, động viên, quản lý phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
(4) Công tác xác định tình trạng nghiện: Nhiều cơ sở cai nghiện bắt buộc không đáp ứng điều kiện theo quy định để được công nhận đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức cai nghiện hoặc xác định tình trạng nghiện đối với đối tượng tạm thời lưu trú tại cơ sở trong thời gian thực hiện các thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
(5) Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng: Một số địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP (mới có 20/63 tỉnh chỉ đạo triển khai); UBND cấp huyện được giao nhiệm vụ chủ trì việc tổ chức công tác này chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách này ở địa bàn.
Việc thành lập các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn (chính sách thu hút đầu tư chưa hấp dẫn các tổ chức, cá nhân ngoài công lập; đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện rất ít hoặc không đáp ứng yêu cầu chuyên môn về cai nghiện; chưa có các quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật, giá dịch vụ đối với các dịch vụ cai nghiện tự nguyện...).
(6) Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện: Tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đầu tư vào lĩnh vực cai nghiện tự nguyện, người nghiện ít chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở này.
(7) Công tác cai nghiện bắt buộc: Tại Cơ sở cai nghiện công lập, tổng công suất tiếp nhận mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu (có sự không đồng đều giữa các địa phương). Các cơ sở được xây dựng từ lâu hoặc tiếp nhận từ hệ thống khác nên thiết kế không phù hợp với việc tổ chức cai nghiện ma tuý; không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng, chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện ma túy theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Nhiều địa phương chưa quan tâm, bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; kinh phí hàng năm bố trí cho công tác này còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chính sách đối với đội ngũ tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ nên không thu hút được lao động làm việc lâu dài, đặc biệt đối với các vị trí y sĩ, bác sĩ.
Quá trình người nghiện thi hành Quyết định xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc: Trong thời gian lập hồ sơ, người nghiện thường bỏ trốn, mặc dù giao cho gia đình quản lý nhưng gia đình vẫn không quản lý được.
(8) Công tác quản lý sau cai: Người nghiện không khai báo khi hoàn thành cai nghiện, bỏ đi khỏi địa phương nên công tác lập hồ sơ đưa vào danh sách quản lý sau cai gặp khó khăn. Việc hỗ trợ trong quá trình quản lý sau cai nghiện và hòa nhập cộng đồng chưa được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư; chưa có biện pháp, mô hình tốt giúp đỡ người sau cai nghiện; do không có việc làm, không có thu nhập để tự nuôi sống bản thân, nên người sau cai nghiện dễ bị lôi kéo thực hiện phạm tội về ma túy và tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người không có nơi cư trú ổn định rất khó khăn trong công tác quản lý; còn có tâm lý kỳ thị của người dân và doanh nghiệp đối với người sau cai nghiện.
(9) Việc quản lý người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế chưa có chuyển biến rõ rệt. Các cơ sở điều trị nghiện chưa tích cực phối hợp xác định tình trạng nghiện cho người đang tham gia điều trị nghiện. Chưa cung cấp thông tin về người điều trị cho lực lượng Công an nắm để phối hợp cùng theo dõi, quản lý./.
Đàm Thị Minh Thu
Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội