Tình hình người nghiện ma tuý trên địa bàn huyện Thới Bình từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, toàn huyện có 101 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý; 108 người sử dụng trái phép chất ma tuý. Mô hình thí điểm “Hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý” nhằm hỗ trợ người sau cai nghiện ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng góp phần ổn định ANTT, giảm người nghiện, người tái nghiện, người sử dụng ma tuý ngay trên địa bàn.
"Việc phối hợp giữa các đơn vị để quản lý người sau cai sẽ là điều kiện thuận lợi giúp người nghiện sau cai có thể sớm hoà nhập cộng đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện Thới Bình triển khai và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu về công tác quản lý người sau cai nghiện ma tuý theo đúng kế hoạch. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai, phòng chống tái nghiện, đảm bảo các đối tượng đều được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ và hoà nhập cộng đồng", ông Phạm Hoàng Sa, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh, cho biết.
Ðể triển khai mô hình này, lực lượng công an đã tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác số người nghiện ma tuý trên địa bàn để tham mưu UBND cấp xã ban hành kế hoạch thực hiện. Từ đó, thành lập tổ công tác cai nghiện ma tuý; tổ công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma tuý; tổ thanh niên tình nguyện tuần tra giữ gìn ANTT trên địa bàn. Ðịnh kỳ hằng tháng, công an xã chủ trì phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị xã hội được phân công tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ đối tượng để nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoặc thông qua sinh hoạt các tổ, câu lạc bộ của Ðoàn thanh niên, Hội phụ nữ để tiếp xúc, tuyên truyền đối với người nghiện ma tuý về hậu quả, tác hại của ma tuý và các chính sách có liên quan đến việc cai nghiện ma tuý. “Trong đó, sẽ triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ việc làm cho người nghiện ma tuý sau khi hoàn thành xong chương trình cai nghiện, góp phần hạn chế tình trạng tái nghiện ma tuý”, ông Trần Thanh Mộng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thới Bình cho biết.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm và phát giác người nghiện ma tuý; báo cáo kết quả tiếp xúc, giáo dục và chuyển biến của người nghiện ma tuý để lưu vào hồ sơ mô hình, phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá và tham mưu Hội đồng bảo vệ ANTT xét thanh loại đối với từng trường hợp cụ thể.
Ðồng thời, Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh cũng sẽ quản lý chặt việc bàn giao hồ sơ đối tượng sau cai nghiện cho công an các xã, thị trấn. Ðịnh kỳ hằng tháng, hằng quý tổ chức nắm thông tin việc chấp hành của đối tượng này. Trong đó, quan trọng hơn hết là tạo điều kiện để đối tượng sau cai có công ăn việc làm ổn định, và đây cũng là mong muốn của rất nhiều học viên tại cơ sở cai nghiện sau khi về tái hoà nhập cộng đồng.
Ông Phạm Hoàng Sa cho biết thêm: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch tái hoà nhập cộng đồng cho từng học viên, phân công cán bộ nhận giúp đỡ từng học viên trong thời gian học tập, cai nghiện tại cơ sở. Ðồng thời, sẽ phối hợp với huyện Thới Bình tổ chức cảm hoá, giáo dục học viên tại cơ sở”.
Mô hình “Hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý" sẽ là tiền đề để thời gian tới tỉnh Cà Mau nhân rộng tại các địa phương để giúp đỡ người nghiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự khác trên địa bàn tỉnh./.
Hoàng Hương (Theo baocamau.vn)