Tháng hành động phòng, chống mua bán người: Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 30/06/2024
Triển khai Tháng hành động phòng, chống mua bán người năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống mua bán người từ ngày 01/7 với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.

Ngày 05/6/2024, Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ đã ban hành Văn bản số 72/BCĐ 138/CP triển khai hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.

Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ yêu cầu Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến ngày 30 tháng 9 năm 2024. Triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án phòng, chống mua bán người; chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, khẩn trương điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người và các tội phạm có liên quan.

Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và các bộ, ngành liên quan tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người, hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” với chủ đề năm 2024 là “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.

Đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, nhất là đối với các nước có chung đường biên giới, quốc gia có nhiều người Việt Nam đến lao động, học tập, du lịch…

Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, biển, hải đảo

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, biển, hải đảo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho quần chúng Nhân dân.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, biển, hải đảo, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động mua bán người. Thực hiện tốt nội dung các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới và quốc gia có liên quan. Phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xác định các trường hợp nghi vấn là nạn nhân bị mua bán để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ theo quy định.

Thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân, nhất là nạn nhân là trẻ em

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân, nhất là nạn nhân là trẻ em. Tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các hoạt động giới thiệu việc làm đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam…Thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác về  mua bán người tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đồng thời là đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111).

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt nam ở nước ngoài thực hiện công tác bảo hộ đối với công dân Việt Nam, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và những người nghi là nạn nhân bị mua bán; bảo đảm kịp thời các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết và công tác xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; làm tốt công tác thông tin đối ngoại về chủ trương, chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người.

Các Bộ, ngành: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện theo nhiệm vụ được giao về công tác phòng, chống mua bán người; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người vào hoạt động thường xuyên theo chức năng thuộc phạm vi quản lý.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; làm tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, chú trọng nạn nhân là trẻ em./.

                                                                                                                        Minh Thu