Đội công tác xã hội tình nguyện góp phần làm trong sạch địa bàn
Đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Nhàn, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới, cho biết: Với các ưu thế nổi bật như: cư trú ổn định trên địa bàn, có uy tín và thân thiện với người dân, các thành viên của đội công tác xã hội tình nguyện đã đa dạng hình thức tuyên truyền, phát hàng chục ngàn tờ rơi, tổ chức hàng trăm buổi tư vấn trực tiếp cung cấp nhiều thông tin và kiến thức bổ ích về phòng, chống tệ nạn xã hội tới cộng đồng, nhất là các đối tượng ma túy, mại dâm, người có nguy cơ cao mắc các tệ nạn xã hội. Các thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện luôn sâu sát địa bàn, nắm diễn biến tụ điểm, hoàn cảnh của từng người, đi sâu, tiếp cận để cảm hóa, tư vấn, giáo dục đối tượng, góp phần làm trong sạch địa bàn và xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm.
Thời gian qua, các Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội CTXHTN) đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các khu dân cư trên địa bàn, lồng ghép tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS... thông qua các hoạt động như xóa đói giảm nghèo, cứu trợ xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
Năm 2023, các Đội CTXHTN đã tham mưu Ủy ban nhân dân cấp xã vận động 1.085 cơ sở ký cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm, ma túy; phối hợp cùng các ban ngành chức năng kiểm tra 975 lượt cơ sở, phát hiện 65 lượt cơ sở vi phạm về các nội dung có liên quan đến tệ nạn mại dâm, ma túy; thực hiện tuyên truyền trực tiếp cho người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện các hình thức cai nghiện để họ tự lựa chọn, đăng ký, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình; hỗ trợ, giúp đỡ 58 người cai nghiện, tạo việc làm, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng; phối hợp quản lý 9 trường hợp sử dụng ma túy có biểu hiện loạn thần ngáo đá.
Chia sẻ về hoạt động của Đội CTXHTN, chị Trần Thị Tùng Quy, Đội trưởng xã Hòa An, huyện Phú Hòa cho biết: Qua bám địa bàn, đối tượng, các thành viên của đội đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ma túy, mại dâm trên địa bàn.
Đội cũng đã tham mưu UBND xã tổ chức cho các cơ sở kinh doanh giải khát, ăn uống… ký cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội. Đặc biệt, trong năm 2023, đội đã vận động đối tượng nghiện ma túy L.V.K (18 tuổi) tự nguyện đến cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh để cai nghiện.
Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh
Theo anh Lương Trọng Luận, thành viên Đội CTXHTN phường Xuân Đài (thị xã Sông Cầu), trước đây, trên địa bàn phường Xuân Đài có nhiều quán nước giải khát, tụ điểm hát cho nhau nghe… có nghi vấn, dễ phát sinh những tệ nạn xã hội. Đội CTXHTN đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, yêu cầu chủ quán ký cam kết về đảm bảo an ninh trật tự, không vi phạm, không để xảy ra các tệ nạn xã hội, mại dâm… Đặc biệt, Đội phối hợp với các ban ngành, đoàn thể nắm chắc hoàn cảnh của các nhóm yếu thế cần hỗ trợ để tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện tốt các chính sách xã hội, như giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội và hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm cho các đối tượng hoàn lương ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, chống tái nghiện, tái phạm; xây dựng phường không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, các Đội CTXHTN cấp xã đã tích cực tham gia cùng các ban ngành, hội đoàn thể, lực lượng dân phòng, công an, trưởng thôn, buôn, khu phố và các tổ chức xã hội khác trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động về phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn mại dâm, ma túy…, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức tập huấn hướng dẫn công tác tư vấn, tuyên truyền cho đội ngũ cán sự xã hội, tình nguyện viên xã, phường, thị trấn. Đây là những tuyên truyền viên tích cực, chuyển tải đầy đủ thông tin về phòng, chống ma túy, mại dâm đến mọi người dân trong cộng đồng dân cư, giúp họ hiểu rõ sự nguy hiểm của tệ nạn này.
Đồng thời tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, vai trò, quyền hạn của đội CTXHTN để người dân ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ tình nguyện viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ đó, người dân mạnh dạn đấu tranh ngay trên địa bàn mình cư trú, góp phần tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.
“Nhìn chung, 100% xã, phường, thị trấn đều quán triệt và có kế hoạch hành động phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm. Hiện có 105/110 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng, duy trì đạt xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm”, bà Hiền cho biết.
Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thì việc quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho các đội CTXHTN hoạt động là rất cần thiết. Qua đó khẳng định sự quan tâm và động viên của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể đối với những người tâm huyết, trách nhiệm với việc phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở; đồng thời cho thấy sự chung tay góp sức của cả cộng đồng trong việc xây dựng xã hội lành mạnh, an toàn.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, các cấp, ngành cần quan tâm tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, chuyên môn và kỹ năng về công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, phòng chống mại dâm và mua bán người... cho các tình nguyện viên; kịp thời củng cố, kiện toàn nhân sự của đội CTXHTN khi có thay đổi và bổ sung quy chế, kế hoạch duy trì triển khai hoạt động trên địa bàn.
Các địa phương cũng cần phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy và chính quyền chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn qua hoạt động giám sát, phát hiện, phòng ngừa của các tình nguyện viên; có chế độ, hướng dẫn cụ thể mức khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động của đội CTXHTN cấp xã.
Kim Dung (Theo Báo Phú Yên)