Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tại Điều 56 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định về việc truy tìm đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn như sau:
“1. Người đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn trước khi được đưa vào cơ sở, thì cơ quan Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ ra quyết định truy tìm đối tượng theo Mẫu số 41 Phụ lục II Nghị định này.
2. Người đang chấp hành tại cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm đối tượng. Cơ quan Công an cấp huyện nơi cơ sở cai nghiện đóng trụ sở có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cai nghiện bắt buộc trong việc truy tìm đối tượng để đưa người đó trở lại cơ sở.
3. Trường hợp tìm được người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn nhưng không tự nguyện chấp hành việc trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cơ quan Công an cấp huyện áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm tiếp tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Thời gian bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.”
Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 71 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy chưa đến mức bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau: a) Phê bình; b) Cảnh cáo; c) Đưa vào quản lý tại khu dành riêng đối với người có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy.”
Bên cạnh đó, theo điểm b Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi “vi phạm quy định về việc chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Theo các quy định nêu trên, người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn sẽ bị áp dụng các biện pháp truy tìm để đưa người đó trở lại cơ sở, cũng như có thể bị xử lý kỷ luật và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nếu trong khi bỏ trốn mà các đối tượng này có các hành vi vi phạm pháp luật khác (gây rối trật tự công cộng, phá hủy tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ.v.v..) thì cũng sẽ bị xử lý về các hành vi vi phạm tương ứng, kể cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tế, trong các vụ việc người cai nghiện bắt buộc đồng loạt trốn khỏi cơ sở cai nghiện thì thường có sự dụ dỗ, lôi kéo, kích động của những đối tượng nhất định. Do đó, các cơ quan chức năng cần có sự điều tra, làm rõ để phân loại, xử lý nghiêm đối với các đối tượng cần đầu, có các hành vi lôi kéo, kích động người cai nghiện bỏ trốn, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, cũng như tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm./.
NC (t/h)