Hàng năm, các Đội tình nguyện xây dựng kế hoạch hoạt động; tổ chức sinh hoạt hàng tháng, quý; nội dung sinh hoạt của các Đội tình nguyện là triển khai các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và đánh giá kết quả hoạt động trong tháng, việc tiếp cận, giúp đỡ đối tượng và đề ra phương hướng cho những tháng tiếp theo.
6 tháng đầu năm, các Đội tình nguyện đã tổ chức triển khai các nội dung hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, cơ bản đạt hiệu quả; phối hợp với các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức lồng ghép nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên lĩnh vực về phòng, chống tệ nạn xã hội, với nhiều hình thức khác nhau, tập trung cho các đối tượng vi phạm pháp luật, người nghiện ma tuý, mại dâm, nạn nhân bị mua bán, người nhiễm HIV/AIDS, nhóm có nguy cơ cao (thanh niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, trẻ em, người đồng bào dân tộc thiểu số,...) và người dân trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền về thủ đoạn, cách thức hoạt động của loại tội phạm ma tuý, mại dâm; tác hại của ma tuý, quan hệ tình dục bừa bãi và đấu tranh chống lại các loại tội phạm có liên quan đến ma túy, mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống mua bán người, bạo hành gia đình, công tác sau cai nghiện ma túy; đã phát 2.159 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về nội dung phòng chống tệ nạn xã hội; viết 50 bài tin tuyên truyền phát trên hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn; tổ chức 42 cuộc tuyên truyền tại địa bàn dân cư với hơn 1.711 lượt người tham dự. Phối hợp tổ chức 08 cuộc tuyên truyền cho học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh về chính sách, pháp luật, kiến thức phòng chống tệ nạn mại dâm được với 2.400 lượt giáo viên và học sinh dự. Ngoài ra, Đội tình nguyện phối hợp Ban giám hiệu các trường tổ chức cho học sinh đăng ký nói không với ma tuý, phát động cho học sinh tham gia phát hiện tố giác tội phạm ma tuý và người nghiện ma tuý trong trường học, đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống ma tuý xâm nhập vào trường học.
Qua đó, nâng cao ý thức pháp luật, hiểu biết về các tác hại tệ nạn ma tuý, mại dâm, mua bán người, HIV/AIDS cho quần chúng nhân dân; vận động cộng đồng từng bước giảm kỳ thị, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trong quá trình điều trị, tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, Đội tình nguyện đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tình nguyện viên phụ trách địa bàn từng ấp, khu phố; theo dõi, quản lý và lập danh sách hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy tiếp cận các dịch vụ y tế, vay vốn, học nghề, việc làm... tạo điều kiện thuận lợi cho họ hòa nhập cộng đồng. Các tình nguyện viên tiếp cận người nghiện và gia đình họ để tìm hiểu việc sử dụng ma túy, hoàn cảnh gia đình; nguyện vọng và tư vấn quy trình cai nghiện, phác đồ điều trị nghiện, hình thức cai nghiện. Kết quả tình nguyện viên đã tiếp cận, giúp đỡ 222 người (trong đó: 117 người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy; 105 người nghiện ma túy và người sau cai nghiện).
Đội kết nối với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân giới thiệu tham gia các chương trình an sinh xã hội và xét hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho người không có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện hoàn lương có việc làm hòa nhập cộng đồng. Kết quả tình nguyện viên đã vận động, giúp đỡ, hỗ trợ 35 người (trong đó: 05 gia đình đối tượng được vay vốn với số tiền 75.000.000 đồng; 03 đối tượng học nghề và 27 người tìm được việc làm ổn định như: phụ hồ, công nhân tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh) nhằm ổn định cuộc sống, góp phần hạn chế tái nghiện hòa nhập cộng đồng.
Tình nguyện viên còn tích cực tham gia giúp đỡ người cai nghiện ma túy bằng nhiều biện pháp, hình thức phù hợp và tùy theo điều kiện, khả năng của mỗi người; tham mưu tổ chức các phong trào sinh hoạt tại cộng đồng và vận động người cai nghiện tham gia các hoạt động như: vui chơi, văn hoá, thể thao, giải trí lành mạnh, các câu lạc bộ, đội nhóm của các đoàn thể, câu lạc bộ đồng đẳng; thường xuyên theo dõi để nhận xét, đánh giá sự chuyển biến của người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy và người sau cai nghiện.
Đội tình nguyện phối hợp công an, quân sự làm tốt công tác tuyên truyền, ngăn chặn, phòng ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, nạn nhân bị mua bán và kìm hãm sự gia tăng về các loại tệ nạn xã hội. Các thành viên Đội thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ bị lợi dụng thực hiện việc sử dụng ma túy, mua bán dâm trên địa bàn, kịp thời phát hiện tệ nạn ma túy, mại dâm cũng như các biểu hiện không bình thường của các đối tượng nghi vấn, báo cáo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền theo dõi và xử lý. Trong 6 tháng đầu năm, các tình nguyện viên đã phát hiện, thu thập, cung cấp 67 vụ việc liên quan đến tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác trên địa bàn dân cư cho cơ quan Công an góp phần ổn định an ninh trật tự, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, góp phần làm cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội có chuyển biến rõ rệt.
Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả thực chất hoạt động của Đội tình nguyện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức về tệ nạn mại dâm, ma túy, HIV/AIDS các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao; nâng cao nhận thức, giảm sự phân biệt, kỳ thị với người đã từng hoạt động mại dâm, nghiện ma túy tại cộng đồng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chức năng nhiệm vụ hoạt động của Đội tình nguyện cho các thành viên của Đội, từng bước nâng cao vai trò của Đội trong phòng, chống ma túy, mại dâm tại cộng đồng. Thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các Đội tình nguyện trên địa bàn tỉnh 06 tháng, năm; tổng kết, đánh giá, đề xuất các giải pháp kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động và nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh...
Thanh Nhung