Hành trình phục thiện nơi biên giới Ngày đăng: 24/04/2017
Ở cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh, có một đội quân cửu vạn mà phần lớn trong số họ đều đã từng trải qua một thời lầm lỗi. Kẻ đâm thuê chém mướn, người vào tù ra tội, nhưng giờ đây, họ đã biết rũ bỏ quá khứ để đứng lên làm lại cuộc đời.

Những cuộc đời lầm bụi
 

Từ khi trời mờ sáng, xung quanh khu vực cửa khẩu Cầu Treo, từng đoàn xe chở hàng đã đổ dồn về tấp nập. Đám tài công tứ xứ ngả nghiêng trong cabin làm một giấc ngủ bù sau hành trình đêm dài dằng dặc. Ngồi lẫn trong sương giá và mây mù dày đặc, những thành viên của đội bốc vác cửa khẩu cũng đang chực chờ cho một ngày làm việc.

Nhìn những người đàn ông lam lũ nhưng vẫn còn phảng phất nét phong trần của dân anh chị ấy, hẳn ít ai ngờ rằng, rất nhiều trong số họ đã từng có một thời lầm lỗi. Đa phần trong số họ đều có tiền án, tiền sự và từng nghiện ma tuý, thậm chí đang ở giai đoạn phơi nhiễm HIV. Khi túng thiếu, họ tổ chức cướp giật, ăn cắp hoặc mang vác thuê ma túy, hàng lậu qua biên giới. Thậm chí có kẻ còn liều lĩnh cầm xilanh chứa một lượng máu nhiễm HIV của mình để dọa xin tiền những người đi lại trên trục đường 8, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho cánh lái xe hàng và những người dân trong khu vực.

Vậy mà giờ đây, trên cái cửa khẩu sầm uất này, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các lực lượng công an, bộ đội biên phòng…, họ đã cùng nhau tạo lập một đội bốc vác hàng hóa chuyên nghiệp, từng bước gây dựng lại một ngày mai tươi sáng hơn cho cuộc đời mình.

Nhớ lại vào khoảng những năm 2010 trở về trước, khu vực cửa khẩu Cầu Treo cũng như địa bàn một số huyện như Hương Sơn, Hương Khê-Hà Tĩnh, tình hình an ninh trật tự vô cùng phức tạp. Trộm cắp, trấn lột hoành hành. Mặc dù hàng loạt những giang hồ cộm cán dần bị pháp luật trừng trị, nhưng người dân sống trong khu vực này vẫn không thôi lo lắng. 

Đứng trước tình hình ấy, năm 2003, BĐBP Hà Tĩnh đã cùng với công an địa phương tiến hành rà soát và tìm hiểu kỹ lưỡng về hoàn cảnh của từng trường hợp, đối tượng và biết rằng, trước đây, họ đều là những người có nhân thân tốt, nhiều người từng là quân nhân xuất ngũ. Do thường xuyên làm thuê trên cửa khẩu, mang vác hàng nặng và thức khuya nên anh em đã dùng ma túy để lấy sức mà không ngờ tới hậu quả đeo đẳng của nó. Từ việc sử dụng ma túy để tăng thêm hiệu quả lao động rồi dần dần trở nên nghiện nặng, sức khỏe suy giảm, kinh tế gia đình bế tắc. “Đói khát sinh đạo tặc”, họ tự biến mình thành kẻ tha hóa về nhân cách và đạo đức lúc nào không hay.

Từ đó, các lực lượng chức năng trên địa bàn cửa khẩu Cầu Treo đã đưa ra giải pháp thành lập đội cửu vạn gồm những đối tượng từng có tiền án, tiền sự chuyên gây rối trong khu vực. Ban đầu, đội hình thành với gần 50 thành viên gồm đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Họ được bố trí cho xây dựng một dãy lán trại riêng nằm sát khu vực chợ cửa khẩu để có thể tự quản lý và thu xếp cuộc sống. Mỗi thành viên được phát thẻ ra vào cửa khẩu. Với tấm thẻ này, họ sẽ dễ dàng tiếp cận các chủ hàng hai bên biên giới để đặt vấn đề nhận chuyển tải hàng hóa.

Cùng với đó, các anh em trong đội thường xuyên được khám sức khỏe theo định kỳ và tổ chức cai nghiện. Qua một thời gian dài, hiện nay đa số các anh đều đã đoạn tuyệt với “cái chết trắng”, sức khỏe hồi phục để có thể đảm nhiệm được những công việc nặng nhọc và chống chọi được sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đầu rừng xó núi.

Đồng thời, công an và chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần phối hợp cùng với trạm biên phòng cửa khẩu đứng ra bảo lãnh với các chủ hàng để giúp đội có thể nhận được công việc một cách thường xuyên, liên tục. Trong quá trình làm việc, họ được lực lượng chức năng nơi đây tạo điều kiện hết mức để có thể hoàn thành tốt công việc, đảm bảo đúng thời gian quy định và không bị hư hao, tổn thất, giữ được uy tín với các chủ hàng trong và ngoài nước.

Bước ra từ bóng tối

Trong đội quân bốc vác đặc biệt này, không thể không nhắc tới Trần Quốc Chiến. Chiến từng nổi danh giang hồ với biệt hiệu Chiến "tân". Trước đây, do gia đình khó khăn, anh tham gia vào đường dây trộm cướp trên quốc lộ 8 chạy qua địa bàn huyện Hương Khê. Với nhiều chứng tích bất hảo, lại thêm bản tính gan lỳ nên anh luôn được công an tỉnh Hà Tĩnh đưa vào danh sách “đen”. Những chặng đường đời của anh được tính bằng dăm bảy lần vào tù ra tội. Khi phát hiện cả hai vợ chồng đều nhiễm HIV, anh về lại xã Kim Sơn, huyện Hương Sơn trong tình trạng sức khỏe suy yếu, những cơn nghiện ma túy hành hạ. Gia sản của hai vợ chồng chỉ còn lại một căn nhà trống rỗng và một đống nợ nần, tương lai mờ mịt.

Ngỡ cuộc đời hoàn toàn bỏ đi, Chiến đã rất bất ngờ khi nhận được lời đề nghị phụ trách đội bốc vác tại khu vực cửa khẩu từ Chỉ huy trạm biên phòng cửa khẩu Cầu Treo. Với sự hỗ trợ của quân y đồn cùng bài thuốc dân tộc được điều chế công phu, cách đây bảy năm, Chiến đã cai nghiện thành công.

Qua chín năm lao động cật lực, vợ chồng anh Chiến đã dành dụm xây dựng được một cơ ngơi. Dù chưa thể nói là khá giả, nhưng chỉ thế cũng đủ để bố mẹ anh cảm thấy an tâm trước tương lai của con cháu mình. Họ thật lòng biết ơn những người đã giúp đỡ con cái họ làm lại cuộc đời đang đứng chân trên quê hương họ. Anh Chiến bảo, điều hạnh phúc nhất là giờ đây, nếu vợ chồng anh có rời xa cuộc sống thanh bình này, thì hai đứa con vẫn còn có điều kiện được học hành và khôn lớn thành người.

Cũng có một “quá khứ bất hảo”, cũng từng trải qua những tháng ngày lầm bụi và rồi quyết tâm đứng lên làm lại cuộc đời, đó là câu chuyện đời đầy trúc trắc của anh Nguyễn Văn An, đội phó đội cửu vạn cửa khẩu Cầu Treo.

Nhìn sự bình yên, đầm ấm trong cửa hiệu may nhỏ nằm trên trục đường 8, thuộc địa bàn thị trấn Hương Sơn, chắc khó ai nghĩ rằng, nó đã từng có nguy cơ tan vỡ vì ma túy. Chị Lê Thị Tương, vợ anh An đã mấy lần gạt nước mắt khi tâm sự với chúng tôi rằng, chị đã rất tủi thân và cảm thấy bế tắc khi hoàn cảnh gia đình luôn túng thiếu, bạn bè, chòm xóm kỳ thị khi anh An sa bập vào ma túy. Khi anh gia nhập đội bốc vác, chị cũng đã ít nhiều hoài nghi. Nhưng rồi dần dần chị cũng thấy tin tưởng, hạnh phúc khi chứng kiến sự cố gắng, nỗ lực, khát vọng hoàn lương của chồng mình. Để giờ đây, cái tên An “đại ca” chỉ còn là một kỷ niệm buồn trong quá khứ. Khi nhìn vào gia đình anh chị, người ta đã có những dự cảm tốt lành.

Nhưng, trong tất cả những con người, những mảnh đời từng một thời lầm lỗi ở đây, không phải ai cũng có được may mắn và một cái kết có hậu như anh An và anh Chiến. Đến giờ, anh em trong đội vẫn thường nhắc đến Phạm Tiến Dũng. Ngày còn trẻ, Dũng đua đòi theo chúng bạn rồi sa vào nghiện ngập rồi nhiễm HIV. Biết mình không còn sống được bao lâu, anh quyết tâm phải làm được một điều gì đó có ích cho gia đình. Thế rồi Dũng đã đến Đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo xin vào đội bốc vác làm việc. Và bằng chính sức lao động của mình, anh đã hoàn thành tâm nguyện là xây được một căn nhà gỗ để báo hiếu bố mẹ trước khi từ giã cõi đời.

Hiện nay, đội bốc vác đã trở thành mái ấm sum họp của biết bao người có hoàn cảnh lỡ lầm không chỉ ở địa bàn ba xã biên giới huyện Hương Sơn mà còn của rất nhiều số phận không may khác đến từ nhiều địa phương thuộc tỉnh Hà tĩnh. Mỗi năm, đội lại tiếp nhận thêm nhiều thành viên mới là những phạm nhân vừa mới hoàn thành án tù hoặc những người nghiện đang trong quá trình cai nghiện.

Ngày qua ngày, từng thành viên trong đội cửu vạn cần mẫn đổ mồ hôi để kiếm những đồng tiền chính đáng và tận hưởng mọi điều tốt đẹp mà cuộc sống mới mang lại. Không chỉ có vậy, họ còn là đội quân “tai, mắt” cho lực lượng công an, biên phòng trước những sự việc bất thường ở cửa khẩu. Bất cứ một đối tượng lạ, có biểu hiện nghi vấn hay một chuyến hàng khả nghi đều được họ nhanh chóng báo cho đồn. Hầu hết các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy được đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo phá án thành công trong những năm qua đều có sự góp sức của “đội quân đặc biệt” này.

Rồi đây, Cầu Treo sẽ là một vùng đất hứa hẹn mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Giữa tiến trình đầy tham vọng ấy, có một mắt xích là những con người từng trải qua giông gió, họ đã biết vùi chôn quá khứ để xây dựng cuộc sống mới bình yên nơi biên giới.

Theo báo Công lý