Người lan toả thông điệp phòng, chống mua bán người nơi miền biên viễn Ngày đăng: 06/11/2023
Với lòng nhiệt huyết, phương pháp truyền thông lôi cuốn, hấp dẫn, chị Vũ Thị Thuỳ (Tổ quản lý dự án - Cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai) đã tạo nên không khí sôi nổi, hấp dẫn; giúp học sinh tiếp cận thông tin nhanh, dễ nhớ, dễ hiểu.

 

 

 

 

Hành trình truyền thông phòng, chống giảm nguy cơ về xâm hại, bạo lực, mua bán người ở phụ nữ và trẻ em gái của Tổ quản lý dự án - Cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai thực hiện tại thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà đã và đang lan tỏa thông điệp “Hãy đồng hành - Đừng buông tay”, góp phần tạo nên lớp bảo vệ vững chắc cho trẻ em vùng cao, biên giới.

Ngày đầu tháng 11, xã Tả Van (thị xã Sa Pa) chìm trong giá lạnh, nhưng không khí tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tả Van đã được sưởi ấm bởi sự có mặt và tinh thần “truyền lửa” của những cán bộ Cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chị Vũ Thị Thuỳ, điều phối viên, cán bộ truyền thông Tổ Dự án giới thiệu Quy tắc bàn tay được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp giúp các em có kỹ năng tự bảo vệ mình, bao gồm: Chỉ người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột mới được ôm hôn con; bạn bè, thầy cô, họ hàng chỉ được nắm tay con; khi gặp người quen chỉ bắt tay; nếu đó là người lạ chỉ vẫy tay; xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà con cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.

Chị Vũ Thị Thùy trao đổi với các em học sinh

Bên cạnh đó, chị Thuỳ kể các câu chuyện thực tế mang đến thông điệp cảnh báo về xâm hại, mua bán người để học sinh ghi nhớ. Các em hào hứng tham gia các hoạt động, hứng thú đọc thông tin tuyên truyền trong tờ rơi và mạnh dạn trả lời câu hỏi giao lưu về kiến thức nắm được sau buổi truyền thông. Thông điệp truyền thông đã được các em đồng lòng hô vang: “Chấm dứt bạo lực - Lan tỏa yêu thương - Gieo mầm hạnh phúc!”; “Nghĩ trước bước sau - Ngăn chặn mua bán người!”.

Thầy giáo Nguyễn Công Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tả Van chia sẻ: Đây là năm học thứ 2 nhà trường được lựa chọn để tổ chức truyền thông cho học sinh. Đối với địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn như Tả Van, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hoạt động truyền thông trực tiếp giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng về phòng, chống nạn mua bán người, xâm hại, tảo hôn… là vô vùng cần thiết. Trong năm học, nhà trường cũng đã gắn nội dung này vào chương trình giáo dục lối sống, hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá.

Thời gian tới, Tổ Quản lý Dự án “Nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong phòng, chống mua bán người, các hình thức xâm hại, bạo lực ở phụ nữ và trẻ em gái” sẽ đẩy mạnh tổ chức hoạt động truyền thông tại các phiên chợ và trường học trọng điểm trên địa bàn thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà. Ứng dụng nhiều phương pháp truyền thông khác nhau, như thuyết trình, kể chuyện, cùng tham gia, phát tài liệu, hỏi đáp trực tiếp, chơi trò chơi với hội viên, người dân và học sinh…; thiết kế in poster, standee, hashtag cầm tay tại các địa điểm truyền thông công cộng.

Dự án có mục tiêu giúp khoảng 5.000 người gồm các hội viên phụ nữ, tư vấn viên, người làm công tác trẻ em và học sinh, cha mẹ trẻ em được tiếp cận, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa về xâm hại, bạo lực và mua bán người. Từ đó, họ sẽ tham gia tích cực vào phòng, chống mua bán người, xâm hại, bạo lực một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với các nạn nhân bị mua bán, xâm hại, bạo lực.

Chị Vũ Thị Thuỳ chia sẻ: Chúng tôi mong muốn rằng chiến dịch truyền thông “Hãy đồng hành - Đừng buông tay” sẽ góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng mua bán người, xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em, góp phần vào mục tiêu bình đẳng giới, giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

NC (nguồn Báo Lào Cai)