Bản du lịch cộng đồng với “5 không” Ngày đăng: 19/06/2023
“Trước kia bản tôi rất khó khăn, cái đói cứ bám riết lấy cuộc sống của bà con. Đàn ông, thanh niên hầu hết nghiện ma tuý, giao thông cách trở. Đời sống rất bấp bênh, ngày ấy hầu hết bà con sống bằng nghề lên rừng kiếm củ măng, củ mài cho qua ngày. Cuộc sống tăm tối, không ai nghĩ đến có một bản Sin Suối Hồ nhiều sức sống như hôm nay", chị Hảng A Sú hồ hởi bày tỏ.

 

 

 

Nàng sơn nữ "ngủ quên"

Bản du lịch Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) hiện nay được nhiều du khách muốn đến để tận hưởng không gian núi rừng trong lành, nguyên sơ, đậm nét văn hoá đặc trưng miền sơn cước...

Không ai có thể ngờ rằng, hơn 10 năm về trước, làm du lịch ở bản vùng sâu, vùng xa như Sin Suối Hồ dường như là một điều không thể đối với người dân nơi đây.

Khó khăn không chỉ trong giao tiếp do bất đồng ngôn ngữ, mà đời sống của bà con nhân dân tại bản hết sức vất vả và khó khăn, tệ nạn xã hội, nghiện hút ở thanh niên và người lao động chiếm tỉ lệ khá cao. Bởi vậy những năm trước kia Sin Suối Hồ được ví như nàng sơn nữ ngủ quên.

Được biết đến như một trong những nữ doanh nhân trẻ tuổi nhất của tỉnh Lai Châu, với tư duy đổi mới dám nghĩ, dám làm, chị Hảng A Sú (sinh năm 1995) hiện là Giám đốc Công ty một thành viên dịch vụ Lai Châu.

Chị Sú đã cùng gia đình đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thay đổi bản làng của mình, giúp đỡ các bạn nữ đồng trang lứa có công ăn việc làm, thay đổi tư duy của bà con trong bản trong phát triên du lịch công đồng. Góp phần phát triển du lịch công đồng của bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ.

 “Trước kia bản tôi rất khó khăn, cái đói cứ bám riết lấy cuộc sống của bà con. Đàn ông, thanh niên hầu hết nghiện ma tuý, giao thông cách trở. Đời sống rất bấp bênh, ngày ấy hầu hết bà con sống bằng nghề lên rừng kiếm củ măng, củ mài cho qua ngày. Cuộc sống tăm tối, không ai nghĩ đến có một bản Sin Suối Hồ nhiều sức sống như hôm nay", chị Sú hồ hởi bày tỏ.

Để có thể đổi mới tư duy và cách nghĩ của người dân nơi đây. Năm 2015, ông Hảng A Xà, cha đẻ của chị Hảng Thị Sú đã xây dựng nền móng phát triển du lịch cộng đồng trong bản Sin Suối Hồ.

Chị Hảng A Sú lúc đó đang học cấp ba đã theo cha học hỏi kinh nghiệm từ các bản dân tộc Mông làm du lịch khắp các tỉnh lân cận. 2 cha con lặn lội đến các điểm du lịch nổi tiếng để học hỏi, áp dụng những cách làm hay phù hợp với bản làng để làm du lịch.

Sú và cha là những người tiên phong, đi đầu trong việc phát triển du lịch cộng đồng ở Sin Suối Hồ. Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm phục vụ và thu hút khách du lịch trong nước, Sú và người dân trong bản đã học ngoại ngữ để phục vụ tốt cho việc giao tiếp và thu hút du khách lịch nước ngoài.

Chị đã tự học tiếng Anh trên mạng Intrenet và Youtube. Lúc đầu giao tiếp còn e ngại, mắc nhiều lỗi nhưng khi nói chuyện thường xuyên với khách, chị đã tự tin hơn, vốn tiếng Anh cũng được cải thiện. Bây giờ có thể dẫn khách nước ngoài và thuyết minh, giới thiệu văn hoá của người Mông bằng tiếng Anh rất thành thạo".

Đến nay du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ đã được biết đến như một trong những địa danh nổi tiếng ở tỉnh Lai Châu. Việc làm du lịch cộng đồng đã và đang giúp bà con người Mông nơi này thoát nghèo và làm giàu.

Một địa chỉ homestay tại bản Sin Suối Hồ

Thay da, đổi thịt nhờ du lịch

Nói về những thành quả đạt được khi làm du lịch cộng đồng, ông Hảng A Xà hồ hởi cho biết: So với trước đây đời sống của bà con khá hơn rất nhiều. Bà con không còn không còn phải lo cái ăn cái mặc nữa, cũng lên nương nhưng không phải để kiếm củ măng, củ mài mà để trồng rau, nuôi gà phục vụ du khách.

Để cho bản có tổ chức chuyên nghiệp hơn, thu hút khách du lịch, chúng tôi cử các bạn trẻ đi học, tiếp thu những cách làm hay về du lịch rồi quay về phục vụ giúp Sin Suối Hồ ngày càng hấp dẫn hơn.

Quả đúng như những chia sẻ của anh Xà, đến với bản Sin Suối Hồ hôm nay, đã không còn những ngôi nhà dột nát, cảnh thanh niên tụ tập chơi bời, hút chích nữa, thay vào đó là những hình ảnh nhộn nhịp, tấp nập du khách ra vào.

Những điệu múa câu hát mang đậm bản sắc dân tộc Mông vang vọng khắp núi rừng, tiếng cười đùa trẻ thơ bên khách du lịch, cảnh mua bán trao đổi hàng hóa của chợ phiên được duy trì, gìn giữ được bản sắc văn hoá từ xa xưa của dân tộc.

Việc lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người dân tộc Mông nơi đây không chỉ để làm du lịch mà bản sắc đã được gìn giữ và phát huy những điều tốt đẹp nhất của người dân trong bản gìn giữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên cái riêng của bản người Mông vùng cao.

Đến nay, Sìn Suối Hồ đã có 15 hộ xây dựng homestay để lưu giữ du khách. Mỗi tháng Sin Suối Hồ đón hàng trăm lượt khách du lịch, nhờ đó tạo được sinh kế cho người dân. Thanh niên không còn phải đi xa kiếm việc làm, người già không còn phải đi nương hay trông chờ vào con cháu nữa.

Du lịch không chỉ mang lại công ăn việc làm cho bản mà còn thay đổi được tư duy nhiều thế hệ. Với Sin Suối Hồ ngày nay đã trở thành bản du lịch với nhiều "không": Không hút thuốc, không rượu chè, không trộm cắp, không bài bạc, không ma túy... Bản Sin Suối Hồ đã thật sự thay da đổi thịt và là một trong những bản làm du lịch cộng đồng kiểu mẫu của tỉnh miền núi Lai Châu./.

Hải Ninh (nguồn Dân Việt)