Một số kết quả điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại Thái Nguyên Ngày đăng: 01/12/2016
Từ năm 2013 đến nay, “Mô hình hỗ trợ cắt cơn, điều trịnghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mang lại những kết quả tích cực, giúp nhiều người từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7268/VPCP-KGVX ngày 17/9/2012 và công văn số 255/VPCP-KGVX ngày 01/4/2013 của Văn phòng Chính phủ, cho phép tỉnh Thái Nguyên triển khai thí điểm mở rộng mô hình hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex ở cộng đồng. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 627/QĐ- UBND ngày 3/4/2013 phê duyệt Đề án thí điểm mở rộng mô hình hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng ở tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2015, thành lập Ban chủ nhiệm Đề án, do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là Chủ nhiệm Đề án.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về điều trị nghiện bằng thuốc Cedemex, Ban Chủ nhiệm đề án đã tổ chức 103 hội nghị tập huấn, tư vấn, tuyên truyền đến cán bộ cấp huyện; tổ công tác cai nghiện cấp xã, người nghiện/gia đình người nghiện ma túy và các tổ chức đoàn thể xã hội về mô hình dùng thuốc, đã có trên 3.000 người tham gia, 100% người nghiện tham gia Đề án đều được tư vấn trước khi uống thuốc Cedemex.

In ấn, phát hành 8.000 cuốn tài liệu tư vấn, tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy- Niềm hy vọng mới “Cedemex- một giải pháp hiệu quả” cấp cho thành viên Ban chỉ đạo, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, các xã, phường, thị trấn, người dân, gia đình có người nghiện và người nghiện ma túy; in 500 đĩa DVD tuyên truyền Đề án đến cơ quan, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã và trên Đài phát thanh- truyền hình cấp tỉnh, cấp huyện và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Đề án, từ tháng 4/2013 đến tháng 30/10/2016 đã có 688 người nghiện ma túy ở trên 114 xã, phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thành phố, thị xã; 2 Trung tâm và 2 Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện tham gia đề án (đạt 91,73% so với mục tiêu, kế hoạch đề ra).

Kết quả, trong thời gian hỗ trợ hỗ trợ cắt cơn (điều trị tấn công), có 176 người bỏ điều trị, kiểm tra test nhanh dương tính với ma túy, chiếm 25,6%, 512 người âm tính với ma túy, được điều trị duy trì thuốc Cedemex trong 6 tháng, chiếm 74,4% so với tổng số người tham gia Đề án.

Trong đó có 242 người uống đủ 11 hộp thuốc Cedemex theo đúng phác đồ hướng dẫn của Viện nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo, hiện nay, có 416 người có mặt tại địa phương được kiểm tra, đánh giá, trong đó có 115 người được kiểm tra đánh giá có kết quả âm tính với ma túy, đạt 27,64% (trong đó, người uống thuốc dưới 1 năm là 20 người; từ 1 năm đến 2 năm là 50 người, từ 2 năm đến trên 3 năm là 45 người)

Người tham gia Đề án dùng thuốc Cedemex điều trị tại gia đình giai đoạn 2013 - 2015, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách người có công với Cách mạng; hỗ trợ 80% cho người thuộc gia đình hộ cận nghèo; hỗ trợ 50% cho người thuộc đối tượng khác.

Tổng số 688 người tham gia đề án đã sử dụng số thuốc Cedemex trị giá hơn 4,5 tỷ đồng. Trong đó có 260 người thuộc hộ nghèo, chính sách theo pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng, chiếm 37,8%; 81 người thuộc hộ cận nghèo, chiếm 11,8 % ; 347 người thuộc hộ khác, chiếm 50,4%.

Kinh phí các gia đình đã chi phí một phần (đóng góp) tiền mua thuốc là hơn 1 tỷ đồng (28,5%) trên tổng số tiền mua thuốc Cedemex và thuốc hỗ trợ khác.

Việc triển khai mô hình dùng thuốc Cedemex hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đã thực sự góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện; nâng cao được năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho tổ công tác cai nghiện cấp xã; cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Huy động được sự tham gia tích cực của gia đình đối tượng trong việc cùng chi trả một phần tiền thuốc; góp phần làm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các xã, phường, thị trấn.

N. T