Công đoàn các cấp chủ động phòng ngừa tệ nạn xã hội tại nơi làm việc Ngày đăng: 23/04/2024
Với vai trò là tổ chức đại diện cho công nhân lao động, Công đoàn Việt Nam có vị thế hàng đầu trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, trong đó có công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm.

 

 

 

 

 

 

Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người lao động

Tình hình tội phạm ma túy, mại dâm lợi dụng không gian mạng để quảng cáo, thỏa thuận mua bán ngày càng gia tăng. Các “điểm nóng” về an ninh trật tự tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp kiểm soát khó khăn. Khu vực trong và xung quanh các khu kinh tế, khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân lao động, địa bàn giáp ranh, địa bàn ngoại trú của công nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm ma túy, hoạt động mại dâm…

Trước tình hình đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp với lực lượng Công an và các ngành tuyên truyền, phòng ngừa có hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tấn công vào công nhân lao động, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Với thông điệp “Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, ma túy từ xa, từ sớm để bảo vệ công nhân lao động”, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an lan rộng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” trong công nhân, viên chức, người lao động; tăng cường tuyên truyền tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các hoạt động, chương trình tuyên truyền, truyền thông giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm được triển khai sâu rộng, nhận được sự tham gia nhiệt tình và những phản hồi tích cực từ phía người lao động. Đặc biệt, các đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội nhằm đưa những nội dung tuyên truyền thiết thực đến gần hơn với doanh nghiệp, người lao động, từ đó, tăng khả năng tiếp cận, hiểu và làm theo.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội và cổng thông tin điện tử của đơn vị, thu hút trên 300.000 lượt xem; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 trên tạp chí điện tử Lao động và Công đoàn với 363.167 người, thuộc 82 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn các cơ quan, đơn vị trực thuộc tham gia.

Phát hành nhiều sản phẩm truyền thông hữu ích, lan tỏa nội dung, thông điệp về phòng, chống ma túy, mại dâm: biên soạn, phát hành 7.000 cuốn sổ tay kỹ năng, 40.000 tờ gấp tuyên truyền; sản xuất video, phim hoạt hình, Infographic, podcast... được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam, Fanpage Công đoàn Việt Nam.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, khảo sát công tác phòng, chống ma túy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại 03 địa phương Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Qua đó, đã nắm bắt tình hình, hoạt động tội phạm ma túy, các hành vi liên quan đến ma túy liên quan đến lực lượng lao động, những khó khăn, vướng mắc của đơn vị và kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho công nhân lao động và đấu tranh với tội phạm.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Diễn đàn “Tăng cường hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc” tại một số tỉnh, thành phố, nhằm thảo luận, đưa ra các giải pháp thiết thực, tăng cường thông tin, giáo dục về chăm sóc sức khỏe cho công nhân và người lao động.

Chú trọng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Thực tế, đối với các doanh nghiệp, việc sản xuất, kinh doanh, tạo lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của chủ doanh nghiệp tại một số nơi còn chưa đầy đủ, coi đó là việc của chính quyền và lực lượng công an.

Nguồn lực, kinh phí dành cho hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Đặc biệt, việc tuyên truyền trực tiếp cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao tham gia tệ nạn xã hội chưa thường xuyên, liên tục.

Trong khi đó, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn diễn biến rất phức tạp, cũng như khu vực tập trung các cụm, khu công nghiệp dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn vi phạm pháp luật trong lực lượng lao động, gây ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước tình hình đó, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn lao động và Liên đoàn lao động các cấp tập trung nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xác định công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, đảm bảo an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài.

Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động, nhất là đối tượng nguy cơ cao công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa bàn phức tạp về ma túy, mại dâm.

Đa dạng hình thức, nội dung truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật cho cán bộ, công đoàn viên, kỹ năng phòng ngừa, chủ động tham gia tố giác và cung cấp thông tin tố giác, phát hiện về tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm.

Đồng thời, xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, những cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp công đoàn và công nhân, viên chức, lao động trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, phù hợp với từng địa bàn và nhiệm vụ của mỗi cơ quan, doanh nghiệp./.

Ngọc Hoàn