Tăng cường phòng, chống mại dâm trong lĩnh vực văn hóa – thể thao và du lịch Ngày đăng: 23/04/2024
Hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

 

 

 

Tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm

Để hoàn thành nhiệm vụ theo Kế hoạch số 4116/KH-BCĐDS ngày 05/11/2021 về triền khai thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chủ động tham mưu, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về phòng, chống mại dâm, tạo cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa.

Ban Chỉ đạo Dân số, AIDS và các vấn đề xã hội của Bộ VHTTDL chỉ đạo tăng cường phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống mại dâm, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền trong cán bộ và quần chúng nhân dân; duy trì và tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm được xử lý nghiêm minh đã góp phần giảm thiểu sự phát triển của tệ nạn này.

Các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ đã xây dựng các chương trình, nội dung để tuyên truyền về Pháp lệnh PCMD, lồng ghép phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại các điểm công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tiểu phẩm, ký sự…

Bộ VHTTDL đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra thực tế thi hành pháp luật tại một số địa phương; chỉ đạo Thanh tra Sở VHTTDL trên toàn quốc tăng cường công tác kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm thuộc quản lý nhà nước của ngành.

Tại các địa phương, Thanh tra Sở LĐTBXH đã chủ động thành lập Đội kiểm tra chuyên ngành 814 và phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Ngoài ra, tham gia, phối hợp hoạt động Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh với cơ quan thường trực là Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Sở Y tế, Công an tỉnh…

Các địa phương đã tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; phát tờ rơi, treo băng rôn, panô, áp phich…; lồng ghép xây dựng xã, phường, lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, gắn với Phòng trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng lối sống văn hóa”. Qua đó, đã truyền đi những thông điệp, kiến thức về phòng, chống mại dâm một cách sâu rộng đến từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư, nhất là thanh, thiếu niên.

Cả nước có 15.077 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke; 41 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vũ trường. Từ năm 2019 đến nay, đã tổ chức, kiểm tra 11.948 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 66 lượt doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vũ trường.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Tình hình tệ nạn mại dâm có nhiều diễn biến khá phức tạp, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh trá hình, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư. Hiện tượng chào hàng, môi giới mại dâm trên mạng Internet, giao dịch qua điện thoại di động diễn ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, tổ chức, bộ máy làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ tỉnh đến cơ sở phần lớn là kiêm nhiệm, một số địa phương còn thiếu sự quan tâm phối hợp và chưa chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ quan ngành dọc tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu Kế hoạch Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống mại dâm, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.

Chú trọng lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống mại dâm đến từng cá nhân, gia đình, cộng đồng thông qua hội thảo, hội nghị, cuộc thi…; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch và gia đình, trong đó chú trọng giáo dục về lối sống, đạo đức, kỹ năng cho thanh thiếu niên về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần tăng cường bảo vệ sức khỏe nhân dân, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, du lịch và thể thao nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm các hoạt động có tính chất khiêu dâm, đồi trụy; tăng cường kiểm tra, nắm bắt thông tin, tình hình biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, đặc biệt trên môi trường mạng để kịp thời phát hiện, phối hợp, ngăn chặn, xử lý vi phạm theo quy định.

Cơ quan VHTTDL các địa phương đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; thực hiện toàn diện các nội dung tuyên truyền phòng, chống mại dâm; bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền phòng, chống mại dâm./.

Trần Ngọc Hoàn