Tiền Giang tích cực thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng” Ngày đăng: 04/08/2016
Đến nay tỉnh Tiền Giang đã thành lập được 64 Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện), với 255 tình nguyện viên tham gia. Các Đội tình nguyện hoạt động bài bản, có hiệu quả. Nhiều người đã được Đội tình nguyện giúp đỡ, tạo điều kiện để vươn lên trong cuộc sống, đoạn tuyệt với ma túy.

Nhằm nâng cao trình độ nhận thức về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cho đội ngũ tình nguyện viên, hàng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động với những nội dung chính như: nhiệm vụ của Đội tình nguyện và tình nguyện viên, những kiến thức cơ bản về chính sách pháp luật phòng chống tệ nạn xã hội; phòng, chống mại dâm, ma túy, HIV/AIDS, phòng chống mua bán người; các kỹ năng tiếp cận đối tượng; quản lý trường hợp, tư vấn, kết nối; kỹ năng làm việc nhóm; huy động nguồn lực, truyền thông vận động…

Trên cơ sở những kiến thức đã được tập huấn, các tình nguyện viên còn chủ động tìm tòi kiến thức trong sách, báo, cập nhật các thông tin từ báo, đài, tập san, viết bài lồng ghép tuyên truyền của các ngành đoàn thể ở những buổi họp tổ nhân dân tự quản, tổ phụ nữ, đoàn thanh niên về công tác phòng chống tệ nạn xã hội phát trên đài truyền thanh của xã, từ đó góp phần giúp cho quần chúng nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa tệ nạn này cho gia đình mình nói riêng và cộng đồng nói chung.  Bên cạnh đó, Đội tình nguyện đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức được 74 buổi tuyên truyền với gần 6.000 lượt người tham dự về phòng, chống tệ nạn xã hội với các nội dung như: tác hại, hậu quả của tệ nạn ma túy, mại dâm, thủ đoạn, cách thức hoạt động của tội phạm ma túy, mại dâm.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, nạn nhân bị mua bán trên địa bàn, tư vấn, giúp đỡ họ tiếp cận các dịch vụ về y tế, tâm lý, xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng.

Đôi tình nguyện cũng đã đề xuất tham mưu với chính quyền địa phương phối hợp với ngành giáo dục tổ chức sinh hoạt dưới cờ cho học sinh ở các trường Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông về tác hại của ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS, phòng chống mua bán người cho tất cả các điểm trường của từng địa phương 46 cuộc với trên 26.000 lượt học sinh và giáo viên tham dự. Đồng thời, Đội tình nguyện phối hợp với các trường tổ chức cho các em học sinh, sinh viên ký cam kết nói không với ma túy, tổ chức cho học sinh tham gia phát hiện tố giác tội phạm về ma túy, mại dâm.

Thực hiện Quyết định 769/QĐ- LĐTBXH ngày 8/6/2015 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về phát động phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị phổ biến phong trào đến các tình nguyện viên. Để phong trào được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai làm thí điểm ở 5 Đội tình nguyện gồm: Đội tình nguyện xã An Thái Trung (huyện Cái Bè), Đội tình nguyện xã Tân Hương (huyện Châu Thành), Đội tình nguyện Phường 6 (TP Mỹ Tho), Đội tình nguyện Phường 5 (thị xã Gò Công), Đội tình nguyện xã Tân Đông (huyện Gò Công Đông), các Đội tình nguyện tại các xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”. Đội đã phân công tình nguyện viên tiếp cận, vận động, khuyến khích, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện; kết nối với chính quyền, đoàn thể, tổ chức, cá nhân tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng như: cho vay vốn từ các chương trình của đoàn thể để mua bán nhỏ, mua phụ tùng mở tiệm sửa chữa xe Honda, chăn nuôi... của Phường 1 và Phường 5 thuộc thị xã Gò Công. Còn lại các nơi khác tự tạo việc làm như: lái xe, thợ hồ, mua bán không có nhu cầu vay vốn hoặc gia đình khá giả. Trong năm 2015, số người được tình nguyện viên giúp đỡ là 52 người, trong đó người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất mà túy là 19 người, người nghiện ma túy 15 người, người sau cai nghiện ma túy là 18 người; 18 người được hỗ trợ, trong đó giới thiệu học nghề 7 người, 5 người được vay vốn với số tiền là 15 triệu đồng, tạo việc làm cho 6 người.

Trong thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang tiếp tục tổ chức tập huấn cho tình nguyện viên bằng các hình thức phù hợp gắn với việc thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”. Đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động của Đội tình nguyện như đưa tin, viết bài, phát hiện mô hình, điển hình để tuyên truyền, phổ biến nhân rộng.

Bích Vân