An Giang tăng cường phòng, chống mua bán người Ngày đăng: 27/02/2024
Sự phát triển không gian mạng và các nền tảng kỹ thuật số như zalo, facebook đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua, bán người dễ tiếp cận nạn nhân hơn. Lợi dụng đặc điểm khó khăn kinh tế, thiếu việc làm ở nhiều địa phương, chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân…, các đối tượng mua bán người hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức.

            An Giang là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với 02 tỉnh Kandal và Takeo thuộc vương quốc Campuchia, với chiều dài đường biên khoảng 96,6 km, có địa hình phức tạp; hệ thống giao thông thủy - bộ rộng khắp liên tỉnh, liên huyện, liên xã với tổng chiều dài 7.000 km; có 02 cửa khẩu quốc tế, 03 cửa khẩu nội địa và nhiều đường mòn dân sinh thông thương với Campuchia đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, giao lưu, mua bán, du lịch, phát triển kinh tế nhưng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các đối tượng người Việt Nam đang sinh sống ở Campuchia, thông qua các trang mạng xã hội để đăng tin tuyển dụng, câu móc, dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt công dân Việt Nam để làm việc cho các công ty và Casino có chủ là người Trung Quốc hoặc người Campuchia gốc Hoa như Khu kinh tế phức hợp Yong Yuan. Casino Prin, Casino Galaxy, Casino Rich World, Casino Crown, Casino Graran, Casino Yong Yuan. Sau khi tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động thì ép buộc làm việc quá giờ quy định, bóc lột sức lao động, mọi chi phí sinh hoạt công ty phục vụ, sau đó trừ vào lương, nếu không đồng ý thì phải bồi thường hợp đồng với số tiền từ 3.000 USD - 3.200 USD, viết giấy nợ hoặc bán sang các công ty khác. Đây là dấu hiệu của tội phạm mua bán người.

            Xác định tính chất phức tạp của tội phạm mua bán người diễn ra trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, UBND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp các địa phương có liên quan áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa và phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm này. Các cơ quan liên ngành trên địa bàn tỉnh An Giang đã tích cực phối hợp trong thực hiện các văn bản ký kết giữa Việt Nam và Campuchia trong phòng, chống tội phạm mua bán người như Hiệp định về Quy chế biên giới giữa Việt Nam - Campuchia; Hiệp định Việt Nam - Campuchia về hợp tác song phương để loại trừ nạn mua bán phụ nữ, trẻ em và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán; Thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Campuchia về quy trình chuẩn cho công tác xác định và hồi hương nạn nhân bị mua bán; Biên bản thỏa thuận giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với Tổng cục Cảnh sát Lào, Campuchia với Cục Quản lý Biên phòng Trung Quốc trong phòng, chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người; Bộ đội biên phòng duy trì quan hệ hợp tác với lực lượng biên phòng nước tiếp giáp để thi hành các điều ước quốc tế về biên giới và phối hợp đấu tranh ngăn chặn tội phạm; Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh An Giang…

            Ngoài ra, để công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được nhanh chóng, kịp thời, Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu đường bộ tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân bị mua bán; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân tự trở về. Các cơ quan thường xuyên chia sẻ thông tin, tài liệu về nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận qua các nguồn khác nhau để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân.

            Trong năm 2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 117 người nghi là nạn nhân được trao trả hoặc tự trốn thoát chạy về Việt Nam, trong đó có 02 đối tượng truy nã, 40 người tự trốn thoát bằng việc nhảy sông bơi về Việt Nam và 75 người là nạn nhân của mua bán người.

            Chính quyền địa phương phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên thông tin phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi họp dân, tuyên truyền tại các huyện biên giới tỉnh An Giang; cấp phát tờ rơi với chủ đề về phòng, chống mua bán người cho các đơn vị huyện, thị, thành phố.

            Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh thời gian qua, năm 2024, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác này.

            Theo đó, các mục tiêu được đề ra cụ thể, trong đó phấn đấu kiềm chế, làm giảm số vụ phạm tội về mua bán người; 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ mua bán người được giải quyết, xét xử. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người bị nghi là nạn nhân; tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người.

            Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về mua bán người. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng; xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp từng cơ quan, địa phương; tập trung triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”, “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7).

            Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người; nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tạo việc làm cho người dân trên địa bàn nhằm ổn định cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.

            Kim Dung