Thành phố Hồ Chí Minh với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người Ngày đăng: 23/02/2024
Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn tiềm ẩn rất lớn của tội phạm mua bán người, Thành phố có mật độ dân nhập cư khá đông từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc, tìm việc làm và mưu sinh, lập nghiệp; đồng thời là đầu mối giao thương của cả nước và quốc tế, có các bến xe, bến tàu, cảng biển và Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Với đặc điểm trên, tội phạm mua bán người thường chọn thành phố Hồ Chí Minh làm nơi tập kết, trung chuyển đưa người ra nước ngoài để thực hiện hành vi mua bán bằng nhiều hình thức và thủ đoạn rất tinh vi.

Xu hướng hoạt động hiện nay của tội phạm mua bán người là thông qua các trang mạng xã hội tuyển mộ việc làm với mức thu nhập cao tại các nước như: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Singapore, Đài Loan … và liên hệ với nạn nhân thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Instagram, khi nạn nhân đồng ý sẽ bố trí xe đến đón. Sau đó, các đối tượng sẽ đưa nạn nhân xuất cảnh hợp pháp hoặc thông qua các đường tiểu ngạch xuất cảnh trái phép. Trong quá trình đưa nạn nhân đi, các đối tượng sẽ thu giữ điện thoại, giấy tờ tùy thân, tiền bạc của nạn nhân hoặc khi đến nước ngoài sẽ thu giữ giấy tờ tùy thân và bán nạn nhân vào các cơ sở, công ty để bắt ép lao động.

Từ năm 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Sau đại dịch Covid-19, Thành phố từng bước khôi phục kinh tế hoạt động du lịch, các nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, trường học... mở cửa hoạt động trở lại đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt. Các cửa khẩu giáp biên giới giữa Việt Nam và các nước; cảng hàng không; ga tàu xe đường bộ, đường thủy được bình thường trở lại. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn còn rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế, không có việc làm hoặc một số thanh thiếu niên ăn chơi, đua đòi có tư tưởng muốn thoát ly khỏi công việc vất vả, muốn đổi đời, muốn tự lập, muốn phụ giúp gia đình, nhu cầu tìm kiếm việc làm ở các địa phương khác, nhất là ở các thành phố lớn, thậm chí là ra nước ngoài lao động với mong muốn tìm cơ hội đổi đời, dẫn đến tình trạng mua bán người sang Campuchia, Philippines, khu vực tam giác vàng giáp ranh giữa Lào, Myanmar và Thái Lan để làm việc nhưng thực chất của hình thức này là hoạt động tuyển mộ, vận chuyển, lừa bán người lao động vào các công ty do người Trung Quốc làm chủ để bóc lột sức lao động, đến khi nạn nhân không chịu nổi thì buộc gia đình phải trả tiền chuộc nếu muốn nạn nhân về Việt Nam.

Để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan như Công an thành phố, Bộ đội biên phòng và Sở Ngoại vụ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên, thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo quy định pháp luật, tạo cơ hội cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Công an thành phố cũng triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và chuyên đề “Phòng ngừa tội phạm mua bán người, thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố. Sở Tư pháp thực hiện công tác phổ biến, giáp dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn, trong đó thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

 Trong năm 2023, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã tổ chức 10.952 buổi tuyên truyền về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép qua các buổi họp tổ dân phố, buổi tọa đàm với nhân dân, bản tin, truyền thông trên website, zalo tại quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn; đồng thời tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hội nghị với nội dung về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm mua bán người. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn; cập nhật các tin tức, vụ việc về tội phạm mua bán người đã xảy ra tại các địa phương trên cả nước, đẩy mạnh phong trào quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và tố giác tội phạm mua bán người, lồng ghép nội dung Luật phòng, chống mua bán người trong các buổi họp tổ, ấp, khu phố, trên đài phát thanh địa phương, in, phát tờ rơi và kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền khác. Phòng Cảnh sát hình sự, công an thành phố đã triển khai và thông báo đến Công an các đơn vị, địa phương về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và các giải pháp thực hiện; xây dựng chương trình, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người trên địa bàn mình phụ trách; chủ động trong công tác quản lý hộ khẩu, kiểm tra đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú, lưu trú, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sạn, nhà trọ, hộ gia đình, khu vực dân cư phức tạp, trung tâm lao động, khu công nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm để kịp thời phát hiện và ngăn chặn xử lý các hành vi liên quan đến mua bán người. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố như Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố… làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân cảnh giác, phòng ngừa, tham gia phòng, chống tội phạm có hiệu quả.

Công an thành phố đã tiếp nhận và xác minh 24 trường hợp nghi ngờ là nạn nhân bị mua bán, Sở ngoại vụ đã tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giải quyết 306 trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khăn (mất tích, bị giam giữ, mất liên lạc…) tại nước ngoài. Đa số các trường hợp là tại các quốc gia Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Lào, Inđônêsia và Philippines, đã hỗ trợ đưa về nước hơn 180 trường hợp công dân cư trú tại phía Nam được giải cứu khỏi một cơ sở kinh doanh trò chơi trực tuyến bất hợp pháp.

Công an Thành phố nhận định, việc phòng, chống mua bán người vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, nạn nhân nhỏ tuổi nên nhận thức chưa cao, dễ bị tâm lý, do đó các đối tượng dễ dàng dụ dỗ, khống chế, đe dọa, thu giữ điện thoại, ép ký các bản giấy nợ; nạn nhân bị ép ký hợp đồng lao động bằng ba thứ tiếng Việt Nam, Trung Quốc và tiếng Anh, có điều khoản thử việc hoặc trả lại tiền bồi thường nếu không tiếp tục làm việc. Mặt khác, tội phạm mua bán người chủ yếu diễn ra ở nước ngoài và nạn nhân cũng ở nước ngoài, các đối tượng đa phần lợi dụng vào sự thông dụng của trang mạng xã hội lập các hội nhóm kín để hoạt động, do đó, việc phát hiện, thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn.

Cơ quan chức năng đưa ra dự báo, năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do những biến động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực. Nhiều gia đình đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều người trong độ tuổi lao động muốn ra nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội "đổi đời" dẫn đến tình trạng mua bán người có thể gia tăng. Do đó, quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phát hiện tố giác các loại tội phạm, trong đó, chú trọng đến tội phạm mua bán người, kịp thời phát hiện các đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia và các hành vi có liên quan.

Người dân, nạn nhân có thể liên hệ với Cơ quan công an gần nhất để trình báo vụ việc hoặc có thể gọi tổng đài quốc gia 111; Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484)./.

Kim Dung