Phòng, chống tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo an sinh, an toàn xã hội Ngày đăng: 10/02/2024
Tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm và mua bán người là vấn đề xã hội đã và đang tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử phát triển của nhân loại, thường xuất hiện dưới nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn khác nhau, không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển nhân cách của con người mà còn ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hộị, tạo nên những vấn đề nghiêm trọng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đàm Thị Minh Thu

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội

Những loại tệ nạn, tội phạm này không chỉ xuất hiện ở riêng một quốc gia, khu vực nào mà ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh (smartphone) với số lượng người dùng gia tăng, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên; đồng thời, việc làm quen, tiếp xúc, giao dịch qua mạng ngày càng trở lên dễ dàng hơn, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tội phạm ma tuý, mại dâm và mua bán người hoạt động; xuất hiện những đường dây tội phạm liên tỉnh, liên quốc gia, liên châu lục, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh, triệt phá.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội…. Như vậy, có thể khẳng định rằng, làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma tuý, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán hoà nhập cộng đồng bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ, năng lực làm việc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giảm nghèo bền vững, tăng cường đảm bảo an ninh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội.

Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, thời gian qua, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) với vai trò cơ quan chuyên môn, đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án về chính sách hỗ trợ đối với người sử dụng, người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán. Có thể khẳng định rằng, hệ thống chính sách này đã từng bước ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và đi vào cuộc sống, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; tăng cường chỉ đạo làm chuyển biến nhận thức về nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống mại dâm, ma túy, mua bán người; đồng thời với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội từ sớm, từ xa là quan trọng, đạt mục tiêu kiểm soát, hướng tới đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần làm giảm thiểu sự yếu thế và bất bình đẳng, giúp người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán hòa nhập xã hội, bảo đảm sức khỏe, khẳng định quyền con người và tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội cũng như tham gia vào thị trường lao động.

Đa dạng hóa các hình thức cai nghiện ma túy

Hệ thống Cơ sở cai nghiện ma túy đã được Chính phủ quy hoạch theo hướng đa dạng hóa các biện pháp, hình thức điều trị cai nghiện (bắt buộc, tự nguyện, điều trị thay thế…) và quy mô phù hợp với tình hình và nhu cầu cai nghiện ma túy từng địa phương, vùng miền. Thủ tục đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trước đây do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, nay do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định, đảm bảo quyền công dân theo hiến định. Bộ LĐTBXH đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy với thủ tục thông thoáng, tạo điều kiện cho người nghiện ma túy được lựa chọn các hình thức cai nghiện phù hợp và khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tham gia vào quy trình cai nghiện ma túy.

Vấn đề chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy luôn được quan tâm, thông qua việc xây dựng các bộ tài liệu về tư vấn điều trị nghiện, tài liệu hướng dẫn công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đìnhvà cộng đồng, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy các cấp trên cơ sở thực tiễn và hợp tác quốc tế. Đã khắc phục bước đầu tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các Cơ sở cai nghiện ma túy bị xuống cấp, quá tải, qua đó góp phần hạn chế tình trạng bỏ trốn của học viên. Nhiều mô hình cai nghiện mới xuất hiện, trong đó, đáng chú ý là mô hình xây dựng cơ sở cai nghiện thân thiện, kết nối chặt chẽ với cộng đồng; mô hình Điểm tư vấn, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng trong việc tư vấn, hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người cai nghiện trở về hòa nhập cộng đồng bền vững; mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện phân công kèm cặp giúp đỡ người nghiện; mô hình xây dựng các Câu lạc bộ, các tổ nhóm tự lực, đồng đẳng của người sau cai tự giúp đỡ nhau…

Tính đến 31/12/2023, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 13 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập; 444 đơn vị/36 tỉnh, thành phố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 100% tỉnh/thành phố thực hiện quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Trong năm 2023, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 82.725 người; cơ sở cai nghiện ngoài công lập điều trị, cai nghiện cho 3.296 người; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 4.275 người; duy trì tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 4.128 người nghiện ma túy; số người đã cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ quản lý sau cai là 17.586 người (trong đó: 9.033 người được hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế, vay vốn phát triển sản xuất...).

Chú trọng thực hiện mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm

Từ khi xây dựng và thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (năm 2023) đến nay, bám sát các chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm đã có sự thay đổi đáng kể để phù hợp với tìnhhình thực tiễn. Trong giai đoạn (2003 - 2012), công tác giáo dục, chữa trị, hỗ trợ người bán dâm được thực hiện chủ yếu tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội. 100% người bán dâm vào Trung tâm được khám chữa bệnh, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm, được học văn hóa, xóa mù chữ, giáo dục hành vi nhân cách và tham gia sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tư vấn phòng, chống lây nhiễm HIV...

Giai đoạn từ 2013 đến nay, thực hiện Nghị quyết 24/2012/NQ-QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người có hành vi bán dâm, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mới về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Cụ thể là: hướng dẫn các địa phương lồng ghép việc hỗ trợ người bán dâm với các dịch vụ hỗ trợ xã hội như hỗ trợ y tế, phòng chống HIV; hỗ trợ học nghề, tạo sinh kế; trợ giúp pháp lý, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới… Tổ chức triển khai thí điểm một số mô hình hỗ trợ can thiệp giảm hại, hòa nhập cộng đồng với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội, hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, như: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới. Từ năm 2016 đến năm 2020, mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm được triển khai tại 21 tỉnh, thành phố với 113 điểm mô hình và từ năm 2021 đến nay, còn 16 địa phương với 91 địa bàn triển khai mô hình.

Tăng cường phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Từ năm 2011, Cục PCTNXH đã tham mưu Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật phòng, chống mua bán người. Đây là khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng. Với chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ LĐTBXH chủ trì công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Cục PCTNXH đã tham mưu Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng 02 Nghị định và 04 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình hành động phòng, chống mua bán người các giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025, Cục PCTNXH đã xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành 03 Quyết định triển khai  các chương trình với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng bền vững; khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân. Năm 2022, Cục PCTNXH tham mưu Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao ban hành Quy chế số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18/7/2022 về phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành của các Bộ đối với công tác này; nâng cao hiệu quả, chất lượng của việc tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của các Bộ, ngành trong thực tiễn; tăng hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân một cách chủ động và hiệu quả hơn. Công tác tập huấn cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân được chú trọng. Chính sách, chế độ đối với nạn nhân tiếp tục được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho họ nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Từ khi thực hiện Luật phòng, chống mua bán người đến nay, trên 8.000 nạn nhân được xác định và hỗ trợ theo quy định. Tại các địa phương, 100% các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Các nội dung hỗ trợ tập trung cung cấp nơi ăn, nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về nơi cư trú; hỗ trợ học nghề, việc làm và trợ cấp khó khăn ban đầu. Bên cạnh đó, các nạn nhân cũng được hỗ trợ pháp lý như làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân, giấy khai sinh; tư vấn, tham gia tố tụng.

Chú trọng nhân tố con người, tập trung hỗ trợ nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội

Có thể khẳng định, thời gian qua, Đảng, Quôc hội, Chính phủ đã rất quan tâm đến công tác này, các chính sách về cai nghiện ma túy, hỗ trợ người bán dâm và nạn nhân bị mua bán đã từng bước được ban hành, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo hướng chú trọng đến nhu cầu và đặc điểm của từng nhóm đối tượng; chính sách đã đi vào thực tiễn, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán; tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận với các dịch vụ sẵn có tại địa phương; những chính sách mới được ban hành đã chú trọng nhiều hơn đến việc đảm bảo quyền công dân, quyền con người. Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quyền con người, cần thiết phải xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm, người nghiện ma túy, nạn nhân bị mua bán dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi có nhu cầu. Việc hoàn thiện chính sách, tổ chức thực hiện chương trình can thiệp và hỗ trợ xã hội đối với người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán cần triển khai theo hướng:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo hướng đảm bảo tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do sử dụng, nghiện ma túy và hoạt động mại dâm gây ra đối với người nghiện ma túy, ngưởi bán dâm và xã hội, góp phần giữ gìn sự ổn định, an toàn xã hội và phát triển đất nước.

Thứ hai, tăng cường chỉ đạo, điều hành, giám sát trong thực thi các chính sách phòng, chống ma túy, mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và các chương trình hỗ trợ can thiệp; thúc đẩy lồng ghép và triển khai các chính sách sẵn có về các dịch vụ trợ giúp dành cho người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trên cơ sở tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử.

Thứ ba, triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững thông qua hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn phát triển sản xuất… kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng có nguy cơ nhằm giảm thiểu các tác nhân dẫn đến nghiện ma túy, bán dâm và mua bán người.

Thứ tư, xây dựng thí điểm các mô hình trợ giúp tại cộng đồng, từng bước hình thành hệ thống dịch vụ hỗ trợ trọn gói (bao gồm các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh kế, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, trợ giúp pháp lý…) nhằm tạo điều kiện cho người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng bền vững.

Thứ năm, tăng cường huy động các nguồn lực cho chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội: tăng chi ngân sách Nhà nước kết hợp với huy động đóng góp của người dân, doanh nghiệp và xã hội. Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, các hoạt động tình nguyện dựa vào sự tham gia của cộng đồng (các đoàn thể địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, gia đình, dòng họ…) trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán; thực hiện các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ, chia sẻ rủi ro đối với những nhóm người yếu thế.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách về phòng, chống tệ nạn xã hội./.