Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán Ngày đăng: 22/01/2024
Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được ký kết giữa Bộ LĐTBXH, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao là dấu mốc quan trọng khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán.

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong năm 2023 được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan như: Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Sở LĐTBXH các tỉnh/thành phố, nhất là các tỉnh giáp biên. Nhờ sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, nhiều vụ mua bán người được phát hiện sớm, giải cứu kịp thời các nạn nhân, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Đối với các trường hợp nạn nhân bị mua bán sau khi được tiếp nhận lấy lời khai và thu thập thông tin cần thiết được bố trí nơi ăn, ở; hỗ trợ ổn định sức khoẻ, tâm lý và đưa về nơi cư trú an toàn. Tỷ lệ nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ kịp thời và cao hơn so với các năm trước.

Bà Đàm Thị Minh Thu - Cục trưởng, Cục Phòng, Chống tệ nạn xã hội.

Cũng trong năm 2023, Bộ LĐTBXH và các bộ, ngành có trách nhiệm thực hiện Quy chế đã cùng phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người (30/7); thành lập đoàn liên ngành kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, góp ý Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, dự kiến trình quốc hội trong năm 2024 và có hiệu lực trong năm 2025. Theo đó, nhiều bất cập, khó khăn trong thực tiễn sẽ được giải quyết khi Luật được ban hành như: bổ sung đối tượng được hỗ trợ là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán; bổ sung các chế độ hỗ trợ về tâm lý, y tế; nâng mức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn dịch vụ, thẩm quyền hỗ trợ… Đồng thời, trong điều kiện quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân của nhà nước còn nhiều vướng mắc về điều kiện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có khó khăn về tài chính, mức hỗ trợ còn ở mức thấp, các ngành chức năng và các tỉnh, thành phố đã kết nối, chuyển tuyến nạn nhân đến Nhà Nhân ái (Lào Cai), Ngôi nhà Bình Yên (Trung tâm phụ nữ và phát triển) hoặc các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để có những hỗ trợ chuyên sâu về tâm lý, sức khoẻ và hỗ trợ sinh kế hoà nhập cộng đồng. Nhiều nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ làm nhà ở; hỗ trợ khó khăn ban đầu tối thiểu là 3 tháng; hỗ trợ sinh kế nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh để ổn định cuộc sống.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức Chương trình Hướng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người (30/7).

Đàm Thị Minh Thu

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội