Đồng Nai tăng cường công tác phòng, chống tội phạm mua bán người Ngày đăng: 22/01/2024
Đồng Nai là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ với tổng diện tích tự nhiên là 5.905,7 km² (chiếm 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam bộ), có 11 đơn vị hành chính cấp huyện và 170 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có 32 khu công nghiệp tập trung được cấp phép hoạt động với 1.526 dự án của 42 quốc gia và vùng lãnh thổ; thu hút hơn 1.248.000 lao động trong nước và hơn 9.048 lao động nước ngoài. Thời gian gần đây, nhiều công ty, xí nghiệp thường xuyên cắt giảm nhân sự, một bộ phận người lao động (hầu hết là thanh thiếu niên trẻ tuổi) bị mất việc làm, không có nguồn thu nhập, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cộng thêm sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế đã khiến Đồng Nai trở thành một trong những địa bàn mà các đường dây tội phạm mua bán người hướng đến.

Các đối tượng làm quen dụ dỗ các nạn nhân là phụ nữ nhẹ dạ, cả tin đến làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT (karaoke, massage, quán bar, cà phê chòi…), sau đó uy hiếp, cưỡng ép các nạn nhân phải bán dâm, kích dục cho khách. Nếu nạn nhân không đồng ý thì các đối tượng buộc nạn nhân phải trả các khoản phí môi giới việc làm, nếu không có tiền thì các đối tượng ép ký giấy vay nợ, buộc phải làm việc cho chúng để trả nợ không thì chuyển giao nạn nhân đến các cơ sở khác, mỗi lần chuyển giao các nạn nhân phải ghi giấy nợ cao hơn.

Mặt khác, các đối tượng mua bán người còn lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của một số thanh thiếu niên và sử dụng mạng xã hội đăng thông tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao, chỉ cần biết sử dụng máy vi tính, không cần bằng cấp, kinh nghiệm làm việc” sau đó đưa các nạn nhân sang Campuchia làm việc tại các cơ sở karaoke, massage, kinh doanh cờ bạc qua mạng với mức lương cao, khi nạn nhân đồng ý, chúng sử dụng xe ô tô đến đón nạn nhân tại nơi cư trú, sau đó đưa đến khu vực cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam – Campuchia và đưa nạn nhân vượt biên trái phép sang Campuchia bằng đường “tiểu ngạch”. Khi sang Campuchia, các nạn nhân bị ép buộc làm gái mại dâm tại các quán karaoke, massage; bị cưỡng bức lao động không lương… Nếu nạn nhân không đồng ý thì các đối tượng đe dọa đánh đập và yêu cầu phải trả một khoản tiền chuộc nhất định thì chúng mới đưa nạn nhân về Việt Nam, nếu người nhà nạn nhân không đồng ý chúng sẽ bán nạn nhân qua các cơ sở khác.

Nạn nhân thường là những phụ nữ, người đang trong độ tuổi kết hôn, người dưới tuổi vị thành niên sống tại các vùng nông thôn nghèo, không có việc làm ổn định, dân trí thấp, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đặc biệt, hiện nay bọn tội phạm đang nhắm vào một số đối tượng là phụ nữ không có việc làm ổn định nhưng thích chơi bời, lêu lổng, sinh viên trong thời gian được nghỉ học cần có việc làm kiếm thêm thu nhập để dụ dỗ, lôi kéo; chủ yếu nạn nhân bị bắt làm mại dâm, nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn là cả những nam giới và trẻ sơ sinh.

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý an ninh trật tự trên địa bàn để phòng, chống nạn mua bán người; quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống tội phạm mua bán người xảy ra ở trong nước, khu vực nội địa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; quan tâm, có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân địa phương nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống để phòng ngừa bị mua bán.

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, hướng dẫn công tác phòng, chống mua bán người nói chung và công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng để các sở, ngành, địa phương căn cứ triển khai thực hiện, cụ thể như Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 31/KH-BCĐ ngày 01/3/2023 của Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh Đồng Nai về phòng, chống mua bán người năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Kế hoạch triển khai Kế hoạch số 32/KH-BCĐ ngày 01/3/2022 của Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm năm 2023; Văn bản thực hiện kinh phí xây dựng và duy trì hoạt động Mô hình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh năm 2023; Văn bản triển khai thực hiện văn bản số 3746/UBND-THNC ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh về việc tình hình tiềm ẩn nguy cơ mua bán người sang Lào; Văn bản thực hiện văn bản số 2903/UBND-THNC ngày 31/03/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 135/KH-BCĐ ngày 17/03/2023 của Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng chống mua bán người. Bên cạnh đó, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, hướng dẫn nắm tình hình, tập huấn nghiệp vụ, thống kê, báo cáo công tác phòng, chống mua bán người theo quy định. Tổ chức hội nghị sơ kết, giao ban rút kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tiếp theo để các ngành, các cấp căn cứ thực hiện.

Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân

Theo báo cáo, từ năm 2021 đến năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 03 vụ mua bán người, bắt 04 đối tượng, đã khởi tố, bắt tạm giam 07 đối tượng với hành vi “mua bán người và tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép”, giải cứu 07 nạn nhân bị mua bán, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an tỉnh tiến hành xác minh, xác nhận là đối tượng bị mua bán được giải cứu, do đối tượng là người ngoài tỉnh, Sở đã ban hành công văn đề nghị các địa phương nơi đối tượng cư trú hỗ trợ theo quy định. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 công dân nghi ngờ bị lừa bán Campuchia, Công an tỉnh đã xác lập chuyên án để tổ chức giải cứu và xử lý đối với các đối tượng có liên quan, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với lực lương Công an xác định các nạn nhân bị mua bán để thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.

 Xây dựng mô hình

Đến nay, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã thành lập được 11 mô hình "Tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng" tại 11 huyện, thành phố, trong đó năm 2023, đã triển khai xây dựng 06 Mô hình tại các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Thống nhất, Trảng Bom; các thành phố: Long Khánh, Biên Hòa và tiếp tục duy trì 05 mô hình đã xây dựng tại các huyện: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ. Các huyện, thành phố đã củng cố kiện toàn nhân sự mô hình, tổ công tác phối hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Các thành viên gồm lãnh đạo phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, cán bộ phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, công an huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và công chức văn hóa- xã hội các xã, phường, thị trấn (địa bàn có nguy cơ cao) để tổ chức triển khai thực hiện duy trì và xây dựng mô hình.

Các thành viên của Mô hình thí điểm đã chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch, quy chế hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; thành lập Tổ công tác liên ngành để chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tổ chức vận động, tuyên truyền, rà soát thống kê các đối tượng có nguy cơ cao để tập trung tuyên truyền từ đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Các hoạt động chính của mô hình

 Mô hình được thành lập với các hoạt động như phối hợp với các ngành, các đoàn thể có liên quan trong công tác thống kê, rà soát nắm tình hình các nạn nhân bị mua bán cũng như các đối tượng có liên quan đến tội phạm mua bán người, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh của tội phạm mua bán người để kịp thời ngăn chặn. Phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể đến từng khu phố, tổ dân cư tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và phòng, chống tệ nạn mua bán người để họ nắm vững các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, cũng như có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. Đặc biệt là nâng cao nhận thức phòng ngừa tại cộng đồng cho các đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán. Tổ chức thực hiện lồng ghép các nội dung phòng, chống mua bán người nói chung và  công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng vào các chương trình trợ giúp xã hội; giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác ở địa phương để kịp thời  (nếu có) hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán và các đối tượng có nguy cơ cao tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định pháp luật như: chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, hỗ trợ ban đầu, vay vốn, học nghề, giải quyết việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Kịp thời tham mưu, ban hành quy chế, kế hoạch duy trì triển khai hoạt động trên địa bàn. Làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy và chính quyền chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tệ nạn mua bán người trên địa bàn. Phối hợp đồng bộ với các ban ngành, đoàn thể, các khu dân cư trên địa bàn rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng có nguy cơ cao để tổ chức vận động, tuyên truyền, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của họ trong phòng, chống tội phạm mua bán người và hỗ trợ về pháp lý, học nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn giúp họ có cuộc sống ổn định./.

Kim Dung