Mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 17/05/2016
Năm 2016, Đội tình nguyện ở các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục có kế hoạch vận động, tư vấn, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và tham gia tích cực hỗ trợ người nghiện ma túy tại các điểm tư vấn tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định 2596⁄QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện của Việt Nam đến năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12/2015, cả nước có 39 tỉnh, thành phố thành lập 2.913 Đội tình nguyện (ĐTN) gồm 18.218 tình nguyện viên (TNV). ĐTN các tỉnh, thành phố đã tích cực chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng TNV, trong đó, theo dõi, quản lý địa bàn quản lý theo từng khu vực và danh sách hỗ trợ giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội khác trên địa bàn thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa phát sinh tệ nạn ma túy, HIV/AIDS.

Tích cực phát hiện và thông báo cho các tổ chức cơ quan chức năng về các hành vi liên quan đến hoạt động của tệ nạn nghiện ma tuý, hành vi làm lây nhiễm  HIV/AIDS trên địa bàn, đề xuất tham mưu với chính quyền biện pháp cụ thể giải quyết các vụ việc đó và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm.

Cùng với Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện hoạt động lồng ghép cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở xã thông qua việc thực hiện 05 nội dung phân loại, đánh giá xã, phường, thị trấn lành mạnh không tệ nạn ma tuý, mại dâm theo NQLT01/2005.

Các ĐTN đã phối hợp các những người có uy tín trong Tổ dân phố, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc tiếp cận, giúp đỡ và hàng tháng đến thăm hỏi, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ học nghề, cho vay vốn, tạo việc làm hoặc tạo các điều kiện thuận lợi để người nghiện sau cai, nạn nhân bị mua bán trở về ổn định cuộc sống. Điển hình như tỉnh Quảng Ninh, một số TNV đã đến từng nhà để thuyết phục, vận động người nghiện đi cai, đồng thời tìm hiểu nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đối tượng để có biện pháp giúp đỡ phù hợp, báo cáo kịp thời để Đội có kế hoạch đề nghị với chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp các gia đình khó khăn được vay vốn làm ăn, tạo việc làm. Kết hợp lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về TNXH. Xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra nhiệm vụ và giải pháp của ĐTN gắn với 5 nội dung của công tác xây dựng xã phường lành mạnh, hoặc làm giảm cơ bản tệ nạn ma túy.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ĐTN là lực lượng nòng cốt giúp đỡ người cai nghiện hồi gia. Lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn đã ban hành Quyết định phân công cho TNV giúp đỡ từng người cai nghiện. TNV đã trở thành những người thân thiết trong gia đình, tư vấn, hỗ trợ làm họ bớt đi những mặc cảm, kỳ thị; phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tìm kiếm công ăn việc làm ổn định cuộc sống cho người sau cai nghiện.

Tại Hà Nội, được giao phụ trách Câu lạc bộ sau cai B93, ĐTN tại nhiều xã, phường, thị trấn đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc quản lý, tư vấn người cai nghiện gắn với các hoạt động của xã, phường và kết hợp chặt chẽ với gia đình. Chi cục PCTNXH đã phối hợp với Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) tập huấn cho hơn 5.000 TNV, qua đó, nâng cao kiến thức cho TNV về phòng ngừa nghiện ma túy, phòng ngừa việc tái nghiện.

Thành phố Hải Phòng, năm 2015 đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cấp xã, phường tổ chức 106 buổi tuyên truyền. Tư vấn cho 274 người nghiện, người sau cai nghiện ma túy và gia đình họ. Hỗ trợ 87 người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, 133 người tham gia điều trị Methadone, quản lý 12 người sau cai nghiện và hỗ trợ 42 người nghiện ma túy tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Ngân hàng chính sách xã hội thẩm định cho 28 người được vay vốn với số tiền là 206 triệu đồng.

Tỉnh Phú Yên, các ĐTN đã tham mưu cho UBND cấp xã tiến hành vận động 1.048 cơ sở ký cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm, ma túy, lập danh sách 627 nữ tiếp viên, tiếp thị, gái gọi có nghi vấn hoạt động mại dâm, ma túy đưa vào hồ sơ quản lý, theo dõi. Phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể chức năng tiến hành kiểm tra 2.725 lượt cơ sở.

Thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”, có 36/59 tỉnh, thành phố báo cáo đã triển khai thực hiện. Trong đó, tỉnh Lào Cai, các ĐTN đã phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên giúp đỡ ít nhất từ 1-2 người nghiện ma túy, người sau cai ổn định cuộc sống, phòng, chống tái nghiện hoặc duy trì đi uống thuốc Methadone và đã giúp đỡ cho 13 người được vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 215 triệu đồng. Tỉnh Hưng Yên, các ĐTN đã tổ chức nắm địa bàn tiếp cận người nghiện ma túy và gia đình tìm hiểu thông tin và giúp đỡ được 75 người nghiện tiếp cận các dịch vụ y tế, vận động 35 người đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện, 15 người đến cơ sở điều trị thay thế Methadone.

                                                                                   Nhất Phiến