Thành phố Hồ Chí Minh với công tác phòng, chống mại dâm Ngày đăng: 28/12/2015
Hiện nay, tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn rất tinh vi và diễn biến phức tạp. Mại dâm nơi công cộng chuyển sang hoạt động bằng hình thức trung gian thông qua bảo kê để móc nối giao dịch mua bán dâm. Mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ khá phổ biến, nhất là các hành vi khiêu dâm, kích dục tại các quán cà phê, tiệm hớt tóc gội đầu, nhà hàng, karaoke, vũ trường… Bên cạnh đó, tình hình hoạt động của một số đối tượng là mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm và mại dâm có yếu tố nước ngoài có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện tượng chào hàng, môi giới mại dâm theo phương thức gái gọi, gái bao theo tour du lịch và trên các phương tiện thông tin điện thoại di động, internet, facebook,… đã và đang là những thách thức lớn tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.

Trước tình hình đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các Sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm và phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS trong nhân dân gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Đã tổ chức 65.039 buổi tuyên truyền với 1.981.476 lượt người tham dự; xây dựng và phổ biến 594.087 tài liệu tuyên truyền, tờ rơi, tờ bướm và khẩu hiệu, panô, áp phích cổ động trực quan từ đó giúp cho người dân nhận thức được mại dâm là một tệ nạn xã hội trái với truyền thống văn hóa của dân tộc, tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của nhân dân.

Giai đoạn 2011-2015, các Đoàn, Đội, Tổ kiểm tra liên ngành Văn hóa- Xã hội đã tổ chức kiểm tra 44.220 lượt cơ sở/32.262 cơ sở, phát hiện 25.389 lượt cơ sở vi phạm liên quan đến hoạt động văn hóa, xã hội (tỷ lệ 57,41%); đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 25.389 lượt cơ sở (trong đó phạt tiền 21.748 cơ sở với tổng số tiền phạt là trên 150 tỷ đồng, phạt cảnh cáo 1.503 cơ sở, đình chỉ kinh doanh 569 cơ sở, thu hồi giấy phép 83 cơ sở; áp dụng hình thức xử lý khác 1.486 cơ sở).

Lực lượng Công an phối hợp với ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức truy quét 8.487 lượt hoạt động mại dâm tại nơi công cộng. Kết quả: đã kiểm tra, bắt giữ 2.167 lượt đối tượng (trong đó có 1.126 đối tượng liên quan đến tệ nạn mại dâm) và tiến hành điều tra, khám phá 845 vụ vi phạm về mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ, bắt 2.410 đối tượng (trong đó: 371 đối tượng chủ chứa, môi giới; 1.359 đối tượng bán dâm; 680 đối tượng mua dâm). Cơ quan điều tra khởi tố 236 vụ, 365 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 231 vụ, 370 bị can liên quan đến tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm và tội mua dâm người chưa thành niên; Tòa án nhân dân đã xét xử 194 vụ, 300 bị cáo; trả hồ sơ 44 vụ, 94 bị cáo; tổ chức xét xử lưu động, công khai 10 vụ, 45 bị cáo.

Thực hiện Nghị quyết số 24/2012/NQ-QH13 ngày 20 tháng 06 năm 2012 của Quốc hội khóa XIII về thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thành phố đã chuyển đổi phương thức từ quản lý tập trung người bán dâm tại các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục Lao động xã hội sang xây dựng các mô hình thí điểm về hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng đã thu hút 1.323 lượt người tham gia (được tư vấn, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe, y tế, học nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ vốn kinh doanh) với tổng kinh phí thực hiện là trên 2 tỷ đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã xây dựng 258 câu lạc bộ “Phụ nữ vươn lên”, “Lá chắn”, “Phụ nữ xa quê”, “Nữ chủ nhà trọ”... tập hợp hơn 3.885 phụ nữ tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi giúp các chị em vững vàng vươn lên mưu sinh lập nghiệp bằng chính khả năng lao động của mình.

Năm 2014 - 2015, được sự hỗ trợ của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người bán dâm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. Qua 01 năm thực hiện đã tập hợp được 50 người tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ “Chúng tôi là phụ nữ” (Câu lạc bộ Sen Xanh) để tư vấn tâm lý, pháp luật và hỗ trợ học nghề tại Trung tâm Đào tạo làm tóc Loreal với mức kinh phí của Trung tâm là 35.000.000 đồng/người/khóa đào tạo, có 10 người được xét chọn vào học tại Trung tâm.

Mặc dù thành phố đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp nhưng công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố vẫn gặp những khó khăn, một phần là do sự bất cập của các văn bản pháp luật. Ngoài ra, vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số địa phương chưa được chú trọng và phát huy trong công tác quản lý địa bàn, tụ điểm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm hoặc vi phạm tệ nạn mại dâm từ đó làm hạn chế việc phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn tội phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm. Công tác hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm của chính quyền địa phương thông qua việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn hiệu quả chưa cao. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở một số địa phương còn hạn chế, chưa bám sát vào mục tiêu, chỉ tiêu nhất là việc cung cấp các dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, cũng như các chương trình can thiệp giảm hại, tình dục an toàn cho đối tượng bán dâm và đối tượng có nguy cơ cao. Các đối tượng hoạt động mại dâm hiện nay đều hiểu biết các quy định pháp luật, khi bị cơ quan Công an bắt thì chỉ bị xử phạt hành chính chứ không áp dụng biện pháp “đưa người vào cơ sở chữa bệnh hoặc chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương”, nên họ ngang nhiên thực hiện hành vi trao đổi, ngã giá mua bán dâm, vi phạm pháp luật nhiều lần. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện nay theo Luật Doanh nghiệp còn nhiều vấn đề bất cập như: không quy định về xác minh nhân thân và địa chỉ kinh doanh khi cấp giấy phép kinh doanh đã tạo điều kiện cho các đối tượng là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ bị xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, tệ nạn xã hội dễ dàng sang tên đổi chủ nhằm né tránh việc đóng phạt và hình thức xử lý tăng nặng hơn khi tái phạm.

Để khắc phục những tồn tại, khó khăn đó, thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm ban hành Luật phòng, chống mại dâm. Ban hành chính sách, chế độ và tăng định mức hỗ trợ kinh phí trong việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội cho người bán dâm, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận các nguồn trợ giúp của cộng đồng xã hội, được dạy nghề, hướng nghiệp, trợ vốn tạo việc làm, được tham gia các dịch vụ hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS, giúp họ hoàn lương hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống./.