LÀO CAI VỚI CÔNG TÁC CAI NGHIỆN TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG Ngày đăng: 26/12/2015
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nằm chính giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 345 km theo đường bộ, phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với gần 200km đường biên giới. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.383,88 km2, gồm 8 huyện, 1 thành phố tỉnh lỵ với 164 xã, phường, thị trấn. Có thể thấy, Lào Cai có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế thương mại, du lịch và công nghiệp nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tệ nạn xã hội, trong đó đặc biệt là tệ nạn ma tuý.

Tình hình người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh Lào Cai có xu hướng tăng và ngày càng trẻ hóa, người nghiện ma túy sử dụng nhiều loại ma túy khác nhau, trong đó nghiện ma túy tổng hợp có xu hướng tăng. Tại thời điểm thống kê người nghiện ma túy ngày 01/10/2012 toàn tỉnh có 3.624 người nghiện, đến thời điểm rà soát thống kê ngày 31/8/2015 toàn tỉnh có 4.391 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 667 người; 9/9 huyện, thành phố có người nghiện ma túy, 127/164 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Trong số người nghiện có hồ sơ quản lý, 76,82% sử dụng Heroin, 53,4% sử dụng ma túy bằng phương pháp tiêm chích, 93,6% nằm trong độ tuổi lao động chính của xã hội.

Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành, Sở Lao động - TBXH đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai. Tổ công tác đã xây dựng quy chế làm việc, lập danh sách theo dõi, quản lý người nghiện, người sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn. Công tác tuyên truyền về cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma tuý được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức khác nhau: qua các buổi họp thôn, tổ dân phố, trên hệ thống phát thanh, truyền hình, panô, ap phích, tờ rơi, sổ tay … giúp người dân nhận biết rõ về tác hại của ma túy, hiểm hoạ của tệ nạn ma tuý, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác cai nghiện, các biện pháp và hình thức cai nghiện ma túy đang được triển khai trên địa bàn tỉnh; trách nhiệm của người nghiện và gia đình có người nghiện. Triển khai đẩy mạnh phong trào toàn dân phát hiện, vận động người nghiện và gia đình họ tự khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, 90 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã với 641 tình nguyện viên đã đến từng gia đình có người mắc nghiện tuyên truyền, vận động người nghiện và gia đình họ tự giác khai báo về tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp. Từ năm 2011 đến nay, các xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận trên 5.000 lượt người nghiện khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện. Đã tổ chức cai nghiện, phục hồi cho 4.679 lượt người nghiện ma túy, trong đó cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 1.533 lượt người. Trong đó, cai nghiện tại cộng đồng cho 1.346 lượt người, 187 lượt người tại gia đình. Điều trị bằng thuốc methadone cho gần 2.000 người.

 

Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Lào Cai chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị

Tại các Cơ sở cai nghiện cộng đồng đều thành lập Tổ quản lý Cơ sở cai nghiện có từ 3 - 5 người, gồm: cán bộ Công an cấp xã, cán bộ Văn hoá - Xã hội, cán bộ Trạm Y tế, cán bộ Chuyên trách về cai nghiện ma túy và một số thành viên thuộc tổ chức đoàn thể. Tổ quản lý cai nghiện thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại, khám sức khoẻ ban đầu, lập bệnh án, xây dựng kế hoạch điều trị cai nghiện phù hợp với sức khoẻ và tình trạng nghiện cho từng người, bố trí nơi ăn, ngủ, điều trị, sinh hoạt cho học viên; đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất cho học viên trong thời gian cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện; tổ chức cho người nghiện học tập nội quy, quy chế, quy trình cai nghiện; tham gia các hoạt động văn thể, lao động trị liệu; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách.Tổ chức đánh giá và cấp giấy chứng nhận thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được thực hiện chặt chẽ. Đánh giá và cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy trình cai nghiện thông qua buổi họp tổ dân phố kết hợp với việc kiểm tra đột xuất từ 2 - 3 lần đều cho kết quả âm tính với ma túy.

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng tại Lào Cai bước đầu có kết quả, nhưng thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Công tác này mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở thành phố Lào Cai. Các huyện còn lại chưa triển khai do chưa có nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo theo quy định. Kinh phí đầu tư cho cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn hạn chế. Trong khi người nghiện và gia đình người nghiện thường trông chờ, ỷ lại nhà nước hoặc phó mặc con em mình cho xã hội; nhiều gia đình còn né tránh việc khai báo tình trạng nghiện và đăng ký đi cai nghiện; thậm chí còn có hiện tượng chống đối với quyết định đi cai nghiện bắt buộc của các cơ quan chức năng. 

Để công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thời gian tới thu được kết quả tốt hơn, Lào Cai cho rằng cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình, tạo thành phong trào toàn dân tham gia phòng chống tệ nạn ma tuý, nâng cao hiệu quả công tác tố giác, phát giác người nghiện ma tuý từ khu dân cư. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện. Hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp, mua sắm các trang thiết bị cho các cơ sở điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng theo Quyết định 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020./.