CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG TẠI XÃ PHƯƠNG CHIỂU, THÀNH PHỐ HƯNG YÊN Ngày đăng: 26/12/2015
Năm 2015, theo Kế hoạch của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh triển khai Đề án cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng bằng thuốc Cedemex, xã Phương Chiểu được lựa chọn là một trong ba điểm thực hiện Đề án. Ngay từ khi nhận được Kế hoạch của tỉnh và sự chỉ đạo của Phòng Lao động - Thương binh và xã hội thành phố, UBND xã Phương Chiểu đã thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy của xã, kết hợp với Đội công tác xã hội tình nguyện triển khai kế hoạch của tỉnh đề ra.

Sau 06 tháng triển khai, Đề án cai nghiện ma túy tại xã đã đạt được một số kết quả ban đầu đáng khích lệ: 15 đối tượng nghiện ma túy ban đầu tham gia Chương trình, sau 6 tháng cai nghiện tại gia đình bằng thuốc Cedemex, 11/15 đối  tượng có kết quả âm tính với ma túy (đạt 73,4 %).

Để đạt được kết quả như trên, UBND xã thực hiện tuyên truyền trên đài truyền thanh xã về kế hoạch thực hiện chương trình cai nghiện, vận động người nghiện và gia đình có người nghiện tự giác khai báo và đăng ký tham gia cai nghiện. Các thành viên trong Tổ công tác cai nghiện cùng Đội công tác xã hội tình nguyện đến từng gia đình có người nghiện để tuyên truyền, vận động. Nhiều trường hợp gia đình và người nghiện lảng tránh và không nhiệt tình tham gia, sau nhiều lần được động viên đã tự nguyện đăng ký tham gia. Số lượng người nghiện tự giác khai báo và tự nguyện tham gia chương trình là 15 người.

Ngoài ra, công tác quản lý, giúp đỡ người nghiện trong thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng được quan tâm, chú trọng. Để làm tốt điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình người nghiện và cán bộ Tổ công tác cai nghiện ma tuý.

Đại diện UBND xã Phương Chiểu trao đổi kinh nghiệm tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm

về công tác cai nghiện và giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng 

Mỗi cán bộ tham gia chương trình của xã Phương Chiểu đều xác định không ngại khó, ngại khổ, làm hết sức mình để động viên, khuyến khích người nghiện tham gia cai nghiện. Mỗi thành viên trong Tổ công tác được phân công quản lý, theo dõi, giúp đỡ 1-2 người. Trong giai đoạn cắt cơn 5 ngày, Tổ công tác đến phát  thuốc tận nhà cho từng người nghiện, mỗi ngày 02 lần, liên tục trong vòng 05 ngày. Cán bộ y tế xã cùng các thành viên trong Tổ và Đội Công tác xã hội tình nguyện trực tiếp theo dõi tình hình sức khỏe, thể trạng của người nghiện để có phác đồ điều trị thích hợp. Cán bộ Tổ công tác phối hợp chặt chẽ với gia đình, không để người nghiện ra khỏi nơi cư trú trong thời gian uống thuốc cắt cơn. Đồng thời, động viên, tư vấn cho người nghiện về quy trình cai nghiện ma tuý bằng thuốc Cedemex để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng. Đến giai đoạn uống thuốc duy trì, Tổ công tác cai nghiện đến cấp phát thuốc tới từng nhà gia đình người nghiện 01 lần/tuần. Mỗi người nghiện được cấp 1 sổ theo dõi cấp phát thuốc và sổ theo dõi tình hình sức khoẻ, được cán bộ y tế ghi chép và theo dõi cụ thể và sát sao. Định kì hoặc đột xuất, hàng tháng, đối tượng được test thử tìm chất ma tuý trong nước tiểu. Kết thúc 6 tháng uống thuốc duy trì, đối tượng nào có kết quả âm tính với ma tuý sẽ được chuyển sang quản lý sau cai tại địa phương.

Trong quá trình cai nghiện tại gia đình, các đối tượng được chia thành các nhóm nhỏ theo từng thôn. Hàng tháng, Tổ công tác cai nghiện đều tổ chức tư vấn theo nhóm cho các đối tượng với các nội dung như tác hại của ma tuý, các kỹ năng phòng chống tái nghiện, các tấm gương cai nghiện ma túy thành công, được tư vấn tâm lý, động viên và khích lệ tránh tâm lý chán chường, tự ti. Các đối tượng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao tại địa phương cũng như tham gia vào các tổ chức đoàn thể: hội nông dân, đoàn thanh niên… Đối tượng tham gia cai nghiện vì thế không còn tâm lý mặc cảm, ngày càng phấn khởi và quyết tâm cai nghiện. Người tham gia cai nghiện tại gia đình được động viên không rời khỏi nơi cư trú trong 6 tháng uống thuốc duy trì, mà làm việc lao động tại địa phương, nếu đi khỏi nơi cư trú đều phải có báo cáo với Tổ công tác cai nghiện ma tuý xã.

Một trong những yếu tố quan trọng để người nghiện ma tuý cai nghiện thành công, tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững đó chính là vấn đề giải quyết việc làm. UBND xã có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã nhận người đang cai nghiện và người nghiện sau cai vào làm việc. Cho đến hiện nay, đã có 2 người nghiện sau cai của xã đang tham gia lao động trong cơ sở sản xuất trồng nấm của địa phương. Một số người nghiện thuộc hộ nghèo và cận nghèo được UBND xã tạo điều kiện cho vay vốn để tăng gia sản xuất. Một số khác được giới thiệu học nghề tại một số xưởng thủ công đóng trên địa bàn xã. Cho đến nay, có 5/15 đối tượng tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình.

Để đạt được thành công trong công tác cai nghiện kinh nghiệm mà xã Phương Chiểu rút ra từ thực tiễn, đó là cần sự kết hợp của nhiều yếu tố: sự nỗ lực, ý chí quyết tâm cai nghiện của bản thân người nghiện, sự phối hợp của gia đình người nghiện, sự nhiệt tình và tâm huyết của cán bộ làm công tác cai nghiện.../.