Bắc Ninh: Phát huy hiệu quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện Ngày đăng: 21/11/2022
Sau gần 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, các Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều đóng góp cùng các cấp, các ngành và người dân trong tỉnh từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội (TNXH), giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng...

Đội Công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn được thành lập với nhiệm vụ chính là tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS; tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma tuý cai nghiện; giúp đỡ người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán, người nghiện sau cai hòa nhập cộng đồng; phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người để báo cho các cơ quan chức năng xử lý và có biện pháp ngăn chặn... Với vai trò đặc biệt của Đội công tác xã hội tình nguyện, nên ngay khi liên bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 24 ngày 22-10-2012 về thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và chế độ, chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho các cấp, ngành hữu quan của tỉnh ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, quyết định liên quan để triển khai xây dựng và duy trì hoạt động của các đội. Sở kịp thời hướng dẫn các huyện, thành phố thành lập, ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động, đến nay, 100% xã, phường thị trấn đều thành lập và duy trì hoạt động các đội công tác xã hội tình nguyện với 718 tình nguyện viên (mỗi đội 5-7 tình nguyện viên và có phụ cấp theo quy định).

Theo đánh giá, qua 10 năm hoạt động, các đội trên địa bàn tỉnh đã hoạt động nền nếp, đem lại nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các đội đã phối hợp tuyên truyền hơn 15 nghìn lượt tin, bài, chương trình về phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người, giảm lây nhiễm HIV/AIDS trên hệ thống truyền thanh cơ sở; treo hơn 3.200 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các khu đông dân cư, trục đường chính… Các đội đẩy mạnh phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma tuý cai nghiện và hoà nhập cộng đồng”, giao cho các tình nguyện viên bám sát các thôn, khu phố để tuyên truyền, nắm bắt, phát hiện TNXH nảy sinh từ đó có hình thức tư vấn, giúp đỡ từ bỏ TNXH. Nhiều tình nguyện viên hoạt động hiệu quả, trực tiếp đến từng nhà gặp mặt, trao đổi trực tiếp tới đối tượng hoặc người thân của đối tượng để tư vấn cách thức phòng ngừa tái nghiện, tái phạm. Nội dung chủ yếu trong các buổi tư vấn là nêu tác hại, cách phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người và chính sách liên quan để họ nắm được và lựa chọn phù hợp.

Trong 10 năm qua, các tình nguyện viên đã tiếp cận, tư vấn cho hơn 2.900 người người mắc TNXH. Các đội cũng phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh cơ sở và gia đình đối tượng trong quá trình giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng. Nội dung phối hợp chủ yếu là tìm các giải pháp giúp đối tượng không tái nghiện, có việc làm, tạo thu nhập nhằm ổn định cuộc sống. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có 345 người nghiện ma túy được tư vấn, giúp đỡ trong đó có 251 người chuyển biến tích cực sau khi được tư vấn, đi cai nghiện tự nguyện hoặc uống methadone. Qua quá trình hoạt động xuất hiện nhiều đội, tình nguyện viên tiêu biểu, như: Đội công tác xã hội tình nguyện thị trấn Thứa (Lương Tài), xã Cách Bi (Quế Võ) giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng và tổ chức các hoạt động tích cực khác trên địa bàn. Ông Phạm Xuân Thi, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện thị trấn Thứa cùng các tình nguyện viên giúp đỡ 02 người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng bền vững…

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, giúp đỡ người mắc TNXH, những năm qua, các Đội công tác xã hội tình nguyện cũng tích cực nắm bắt, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người để báo cho các cơ quan chức năng và cùng phối hợp giúp đỡ. Kể từ khi thành lập đến nay, các đội đã phát hiện hơn 400 hành vi vi phạm pháp luật báo cơ quan chức năng xử lý.

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội và phòng, chống TNXH (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), thì bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể: Kinh phí cho các đội hoạt động còn thấp (bình quân mỗi đội được hỗ trợ khoảng 5 triệu đồng/năm). Nhiều cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo hoạt động của các đội. Quá trình hoạt động các đội có nhiều sự thay đổi tình nguyện viên nên mất nhiều thời gian hướng dẫn, tập huấn. Việc xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động hàng năm của nhiều đội còn chậm, chưa cụ thể và bám sát thực tế. Công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ cho tình nguyện viên chưa được thực hiện thường xuyên… Bên cạnh đó, nhiều đội công tác xã hội tình nguyện, nhiều tình nguyện viên còn thờ ơ với công việc nên hiệu quả hoạt động thấp.

Đội công tác xã hội tình nguyện có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống TNXH ngay từ cơ sở vì thế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới các cấp, ngành, nhất là cấp sơ sở cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đội hoạt động nền nếp. Các cấp, ngành hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp để các đội hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc hoạt động; tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền cho tình nguyện viên đồng thời quan tâm xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân đạt thành tích góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội vì sự phát triển bền vững của mỗi địa phương.

K.D (t/h)