Người chiến sĩ tình nguyện chống dịch Covid-19 Ngày đăng: 12/07/2021
Trong hơn 10 năm hoạt động, Nhà Nhân ái Lào Cai (trực thuộc Sở Lao động –TBXH tỉnh Lào Cai) đã hỗ trợ 258 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Trong số đó, có em trở về gia đình với bố mẹ, có em được học nghề tạo dựng công việc ổn định,... và nhiều em đang viết tiếp ước mơ còn dang dở trên học đường...

 

 

 

 

Vượt qua bóng tối cuộc đời

P là một trong số những nạn nhân được hỗ trợ toàn diện tại Nhà Nhân ái từ năm 2015. Sinh ra và lớn lên ở một gia đình thuần nông ở huyện vùng cao tỉnh Lào Cai, khi mới 15 tuổi, em bị bạn rủ rê đi chơi và lừa bán sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông nghèo, đã nhiều tuổi.

Gần 3 năm trời nơi xứ người, em phải chịu biết bao tủi nhục, làm gì cũng bị quản thúc, đi đâu cũng có người canh chừng, lại bất đồng ngôn ngữ. Khi sinh con gái, P càng bị hắt hủi, đánh đập và phải làm việc nhiều hơn. Ngày ngày em luôn nghĩ cách tìm cơ hội trốn thoát, trở về quê hương. Rồi may mắn đã đến khi trong một đợt truy quét, em được công an Trung Quốc giải cứu và trao trả về Việt Nam.

Thời gian đầu ở Nhà Nhân ái, em thu mình và rơi nước mắt khi được hỏi về quá khứ. Sau khi một hai tháng hòa nhập với các bạn học viên cùng hoàn cảnh, được nói chuyện bằng chính tiếng dân tộc mình, được gặp lại bố mẹ, tinh thần của P dần ổn định. Em được cô quản gia, các chị cán bộ tại Nhà Nhân ái quan tâm, chăm sóc tận tình, tư vấn tâm lý, định hướng trong học tập, rèn luyện kĩ năng sống và kết nối tiếp tục học cấp 3. Với ý chí và nghị lực, năm nào em cũng đạt Danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, được cả lớp tín nhiệm bầu làm “Lớp trưởng”. Ít ai có thể nhận ra em từng là một nạn nhân bị lừa bán với bao nỗi đau đớn như chết đi sống lại ngày nào.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 năm 2018, P quyết tâm theo đuổi ước mơ và thi đỗ vào Khoa Y – Dược, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Thành phố Hồ Chí Minh) trước sự ngỡ ngàng của các cán bộ, học viên Nhà Nhân ái và tất cả mọi người. Từ một cô gái nhỏ bé luôn nhút nhát, tự ti, P một mình “nam tiến” nhập học, theo đuổi mơ ước thay đổi cuộc đời của chính mình. Giờ đây, khi là sinh viên năm 3 Khối ngành Sức Khỏe, P trưởng thành, dạn dĩ, đầy tự tin hơn và tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Trái tim trong lồng ngực và đất nước ở trên vai

Trước làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19, từ đầu tháng 5/2021, P cùng gần 200 bạn sinh viên của trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trở thành tình nguyện viên, góp phần công sức nhỏ bé trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid 19 tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi tuyến đầu “chống dịch như chống giặc”.

Dù biết rằng trong cuộc chiến chống Covid-19 luôn có nguy hiểm, khó khăn nhưng bằng sự nhiệt tình tuổi trẻ, niềm tin và mong ước được góp sức chung tay đẩy lùi dịch bệnh, P nhận nhiệm vụ phân luồng, đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm tại nhiều địa điểm khác nhau như:  Khu chế xuất Tân Thuận, quận Bình Tân, quận Bình Chánh, huyện Hóc môn… Chỉ cần những khu vực nào xuất hiện dịch, em và các bạn sẵn sàng có mặt…

Đầu tháng 7/2021, khi dịch bệnh lan rộng cả nước, thành phố Hồ Chí Minh trở thành “ổ dịch’ lớn nhất của cả nước, có ngày hơn 1.000 ca nhiễm bệnh, đội ngũ y bác sỹ và các tình nguyện viên thực sự trở thành chiến sỹ trên mặt trận chống dịch. Là một tình nguyện viên trẻ, sẵn sàng bước vào các điểm nóng của dịch bệnh, P được phân công hỗ trợ tại khu cách ly trường Quân sự Quân khu 7.  

Gạt đi những giọt mồ hôi nóng hổi lăn dài trên má, những nỗi lo lắng, sự bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu, em chia sẻ “Cảm xúc lần đầu tiên trở thành tình nguyện viên để cùng mọi người tham gia phòng chống dịch rất là tự hào. Cảm thấy mình đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mình chọn ở lại thành phố Hồ Chí Minh để vừa bảo đảm an toàn cho người dân ở quê mình, cũng như nếu có cơ hội thì sẽ được góp phần giúp đỡ mọi người vượt qua cơn đại dịch này. Khi đến đây, mình không hề có cảm giác sợ hãi mà ngược lại, mình đang cảm thấy rất hăng hái và tràn đầy tự hào, hơn hết đó là tinh thần chiến đấu rực lửa của tuổi trẻ khối ngành sức khỏe như mình”..

Tại khu cách ly, em được các bác sỹ  hướng dẫn cách sát khuẩn, khử khuẩn, phòng hộ, bảo hộ cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Công việc hàng ngày của P vào mỗi buổi sáng là đo nhiệt độ cơ thể cho mọi người trong khu cách ly và đêm đến sẽ cập nhật theo dõi từng người. Có những ngày, P phải thức thông đêm vì phải nhường chỗ ngủ cho những người đến cách ly.

Với kiến thức được tập huấn và tích lũy trên giảng đường đại học, P và các bạn đã bắt nhịp với các công việc rất nhanh, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, có thời điểm số người đến khu cách ly quá tải, cộng với thời tiết nắng nóng, bộ đồ bảo hộ kín mít đã tạo áp lực căng thẳng cho các tình nguyện viên. Nhiều khi, kính bảo hộ mờ đi vì hơi nước do những giọt mồ hôi và những giọt nước mắt rơi xuống, cô gái nhỏ bé ấy không khỏi có có những phút giây mệt mỏi, bất an, cảm giác kiệt sức không thể hoàn thành nhiệm vụ. Những lúc như thế, em luôn dặn với lòng mình “Trái tim trong lồng ngực và đất nước ở trên vai”để tự nhắc nhở không được bỏ cuộc và mỗi ngày phải cố gắng nhiều hơn nữa, đó là trách nhiệm, là lương tâm của một Y bác sỹ tương lai với cộng đồng.

Những hoạt động tình nguyện trong mùa dịch đã giúp P hiểu thêm ý nghĩa màu áo trắng mà em đang mang. P chia sẻ: Nếu như sau này có ai đó hỏi về thanh xuân của em đã từng trải qua như thế nào thì em sẽ tự hào nói rằng em đã cố gắng hết sức mình, chưa một lần hối hận vì những gì mình đã làm. Em đã và đang tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn và tới gần hơn ước mơ của mình”.

Chúng tôi, những cán bộ công tác xã hội từng chứng kiến sự trưởng thành của P thật sự vui mừng trước nghị lực của P. Sự dấn thân vào những nơi nguy hiểm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của em đã góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội.  Chúc em luôn vững niềm tin, có sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình của người chiến sĩ tình nguyện./.

Phạm Thanh - Vũ Thùy