Phòng ngừa tệ nạn xã hội trong công nhân lao động ở Quảng Ninh Ngày đăng: 20/10/2020
Các tệ nạn xã hội (TNXH) như ma túy, mại dâm, tội phạm mua bán người... luôn tiềm ẩn, len lỏi trong đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, các cấp Công đoàn Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi TNXH.

Toàn tỉnh hiện có trên 400.000 CNLĐ, trong đó LĐLĐ tỉnh quản lý trực tiếp 265.000 người. Những năm qua, Quảng Ninh đã thu hút nhiều lao động từ các địa phương khác đến làm việc, sinh sống, đi liền với đó là tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội (TNXH), tội phạm trên địa bàn. Các chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm trong CNLĐ thời gian qua tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó nắm bắt được số lượng, đối tượng cụ thể để có biện pháp quản lý, giáo dục.

Ông Bùi Minh Thanh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, TNXH từ công đoàn cấp cơ sở đến cấp huyện. Hằng năm, tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong đội ngũ CNLĐ, trong đó, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, mua bán người.

Qua 5 năm (2015-2020) các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 1.207 cuộc tư vấn, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật cho 150.000 lượt người. Đến nay, toàn tỉnh có 100% cán bộ công đoàn chuyên trách được tuyên truyền phổ biến các nội dung chương trình phòng, chống mại dâm, phòng chống tội phạm. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức trên 1.000 hội nghị tuyên truyền cho gần 200.000 lượt CNLĐ về phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người.

Anh Phạm Anh Tuấn, 26 tuổi, công nhân bộ phận sản xuất, Công ty TNHH Xay lúa mì VFM-WilMar (KCN Cái Lân, TP Hạ Long) đã tham gia nhiều hội nghị tuyên truyền phòng, chống TNXH do công đoàn tổ chức. Anh Tuấn cho biết: Các hội nghị tuyên truyền pháp luật rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi nhận thức được những tác hại của tệ nạn đối với bản thân, gia đình, từ đó biết cách phòng tránh để sống lành mạnh hơn.

Hàng năm, các cấp công đoàn trong tỉnh tham gia mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy, phòng chống HIV/AIDS với hàng nghìn băng zôn, khẩu hiệu, tranh cổ động... tại các KCN, các trung tâm đô thị, nơi tập trung đông lao động; cấp phát hàng nghìn sổ tay và tờ rơi với nội dung chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống TNXH, ma túy, mại dâm cho CNLĐ; tuyên truyền trên báo, đài, trên website, bản tin công đoàn, truyền hình công đoàn...

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động, chính quyền địa phương xây dựng tổ tự quản công nhân khu nhà trọ, thành lập CLB công nhân xa nhà. LĐLĐ tỉnh đã tổ chức ra mắt và thành lập 17 tổ tự quản khu nhà trọ; 4 CLB nữ công xa nhà. LĐLĐ tỉnh phối hợp với MTTQ và Công an tỉnh tổ chức xây dựng mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự” trong doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đến nay, toàn tỉnh có 123 Hội đồng an ninh tự quản tại các doanh nghiệp với sự tham gia của 893 người; 321 ban an ninh tự quản với 1.897 người; có 114.216 CNLĐ ký cam kết thực hiện nội dung tự quản cá nhân, không vi phạm pháp luật, tích cực tham gia phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người.

Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức của CNLĐ đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội địa bàn; góp phần giữ vững ổn định cơ quan, doanh nghiệp và đơn vị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua “Doanh nghiệp giỏi - Cơ quan văn hoá”, công đoàn cơ sở vững mạnh, “Doanh nghiệp, cơ quan không có ma tuý” trong các cấp công đoàn./.

Xuân Việt (t/h)