Vĩnh Phúc: Giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội Ngày đăng: 25/08/2020
Giai đoạn 2016 – 2020, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được triển khai đồng bộ, hướng về địa bàn cơ sở, tập trung vào địa bàn trọng điểm, phức tạp; các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh Vĩnh Phúc đã in cấp phát 23.000 bản tin phòng, chống tệ nạn xã hội; 44.000 tờ rơi, tờ gấp; 18.633 sách mỏng; hơn 100 buổi tuyên truyền lưu động, 4.823 lượt tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện, thành phố đến các thôn, tổ dân phố. Lực lượng chức năng tổ chức lồng ghép tuyên truyền tập trung 491 buổi với gần 320 nghìn lượt người tham gia; treo 528 băng rôn; 39 pano, áp phích tuyên truyền về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các khu dân cư; tổ chức 02 lớp tuyên truyền cho gần 200 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ về quy định hoạt động; tuyên truyền cho hàng trăm lượt người bán dâm ngoài cộng đồng tham gia nhóm tự lực.

Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục, các đơn vị chức năng cũng lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tập trung vào các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, hỗ trợ vay vốn, chương trình giảm nghèo... nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tổ chức các hoạt động tư vấn, giúp đỡ người bán dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng như hỗ trợ vay vốn, vận động giúp đỡ dạy nghề, giới thiệu việc làm...

Tỉnh cũng tích cực xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS; phòng ngừa giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Trong 5 năm từ năm 2016 – 2020, tỷ lệ phụ nữ bán dâm sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục tăng từ 81% lên đến 86%, nhóm đồng đẳng tiếp cận tư vấn, can thiệp cũng tăng qua các năm từ 300 khách hàng lên đến 500 khách hàng.

Hàng năm, tổ chức hơn 40 cuộc truyền thông, tập huấn tới các nhóm tự lực với hơn 1.000 lượt người tham dự. Năm 2018, Vĩnh Phúc thành lập được 01 Mô hình hỗ trợ quyền lợi người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Trong 5 năm nhóm tự lực đã tiếp cận cung cấp vật phẩm, can thiệp cho 2.860 lượt khách hàng, cấp phát miễn phí 423.070 chiếc bao cao su và 30.000 gói chất bôi trơn cho phụ nữ bán dâm; tiếp cận tư vấn và xét nghiệm nhanh HIV cho 2.656 lượt phụ nữ bán dâm đã phát hiện 19 ca dương tính.

Ngoài ra, hàng năm các ngành, các cấp đã phối hợp thanh tra, kiểm tra được 3.467 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, riêng Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra được 367 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm.

Công an thành phố Phúc Yên kiểm tra lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn

Qua công tác đấu tranh triệt phá, truy tố, xét xử tội phạm, lực lượng Công an đã phát hiện xử lý 119 vụ, với 401 đối tượng, đã khởi tố 71 vụ, với 78 bị can về tội chứa mại dâm và môi giới mại dâm, xử lý hành chính 48 vụ, với 323 đối tượng, phạt tiền 215,4 triệu đồng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền, phòng chống mại dâm còn chưa được chú trọng, chưa có chiều sâu, chưa duy trì thường xuyên, liên tục, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm từng nhóm đối tượng.

Công tác quản lý, giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều hạn chế, chưa thực sự có hiệu quả, công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh triệt phá, truy quét tuy đã được đẩy mạnh song vẫn chưa kiểm soát được sự gia tăng của tệ nạn mại dâm. Đội ngũ đồng đẳng viên còn thiếu, chưa bao phủ để tiếp cận, chăm sóc và can thiệp với phụ nữ bán dâm, việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn trong kết nối và hỗ trợ các dịch vụ, một số cơ sở kinh doanh che dấu, không hợp tác.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch phòng, chống tệ nạn mại dâm với các biện pháp, giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về phòng, chống mại dâm trong toàn xã hội, tổ chức các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn...

Đồng thời, nắm bắt, đánh giá thực trạng mại dâm trên địa bàn, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kiểm tra, đấu tranh triệt phá ổ nhóm, điểm hoạt động mại dâm; tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm.

TT