Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn Ngày đăng: 25/08/2020
Trong những năm qua, công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai đồng bộ, với nhiều biện pháp hiệu quả.

Công tác tuyên truyền có sự đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương như tuyên truyền trực tiếp, thông qua các hội nghị chuyên đề, tập huấn, thông tin lưu động, biểu diễn nghệ thuật có lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm, phát hành tờ rơi, nhân rộng và duy trì các mô hình quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm…

Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy, mại dâm của tỉnh Bắc Kạn

Điển hình như ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho 400 người tại 8 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm; giảm kì thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người bán dâm, tác hại và ảnh hưởng của tệ nạn mại dâm đến đời sống xã hội; Tập huấn cho 1.300 người (21 lớp) là cán bộ thôn, xã, phường, thị trấn; Xây dựng và biên soạn tài liệu tập huấn cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tại 8 huyện, thành phố; Tập huấn cho các thành viên của Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp; Tập huấn cho 400 đại biểu (8 lớp) là các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tại 8 huyện, thành phố và tập huấn cho trên 550 đại biểu (8 lớp) là các thành viên Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp (huyện, xã); Tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng chống mại dâm cho 600 học sinh tại các trường PTTH; Cấp phát hơn 20.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống mại dâm trên địa bàn toàn tỉnh; Xây dựng và sửa chữa 03 panô tuyên truyền phòng, chống mại dâm.

Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức được hơn 400 buổi tuyên truyền lồng ghép nội dung công tác phòng chống mại dâm, các tệ nạn xã hội với số lượng hơn 48.000 lượt người nghe; xây dựng 30 Câu lạc bộ Văn hóa - Thể thao tại cơ sở; Đội Chiếu phim lưu động từ năm 2016 đến nay đã tổ chức được hơn 8.000 buổi chiếu phim lưu động kết hợp chiếu các phim tư liệu về phòng, chống mại dâm; các bộ phim, vở diễn về phòng, chống tội phạm mua bán người như: Phim truyện “Phi vụ cuối cùng”, “Hạt mưa xa”, “Lũy thép biên cương”, “Hoa rừng”, “Nước mắt người cha”…; tiểu phẩm “Hãy tin ở con”, “Tiếng khèn trên đỉnh núi”, “Cảnh tỉnh”… vào đầu hoặc cuối các buổi chiếu phim đã thu hút khoảng 240.000 nghìn lượt người xem;

Ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm; phòng, chống tội phạm; Phối hợp với Tỉnh đoàn và Sở Lao động - TB&XH để tổ chức chương trình điểm “Hãy lên tiếng” phòng chống xâm hại tình dục trẻ em năm 2017 tại huyện Pác Nặm với trên 800 học sinh tham gia; Phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Tổ chức thi Tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thanh niên cho học sinh 23 trường THCS và THPT; tổ chức 03 buổi nói chuyện chuyên đề về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên/thanh niên tại 03 trường THPT, PTDTNT huyện; Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 255 đại biểu là cán bộ quản lý, học sinh, bí thư đoàn trường, tổng phụ trách đội về công tác phòng, chống mại dâm.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã mở được 70 lớp tuyên truyền đến người dân với trên 3.500 lượt người tham dự về công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống mại dâm nói riêng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tập trung vào các tiêu chí “Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Không có bạo lực gia đình” tập trung vào những địa bàn có nguy cơ cao, trọng điểm về tội phạm và tệ nạn xã hội. Tiếp tục duy trì hoạt động của 259 câu lạc bộ với  8.886 thành viên như: Câu lạc bộ "Phụ nữ và pháp luật", câu lạc bộ “Pháp luật và đời sống”, câu lạc bộ "Sinh kế và quyền của phụ nữ”, câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình”… và 282 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Nhằm thực hiện chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở thành lập mới 130 mô hình với  4.717 thành viên như: mô hình “phòng chống tệ nạn xã hội”, “phòng chống bạo lực gia đình”, “phụ nữ và trẻ em phát triển”, “cha mẹ yêu con và cha mẹ hiểu con”....  

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm được tăng cường thực hiện và xử lý nghiêm minh đã góp phần giáo dục, răn đe, phòng ngừa, hạn chế phát sinh tệ nạn mại dâm. Từ năm 2016-2020, Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp tổ chức kiểm tra tại 677 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (trong đó, Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh đình chỉ hoạt động 10 cơ sở; nhắc nhở, ra hạn hoàn chỉnh các loại giấy tờ và các điều kiện có liên quan để tiếp tục kinh doanh 45 cơ sở).

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, sau 5 năm thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu theo Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 06/5/2016 của UBND tỉnh đều hoàn thành đạt kế hoạch giao, đó là: 100% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; hằng năm, thông tin về phòng chống mại dâm được đăng tải trên cơ quan báo chí cấp tỉnh ít nhất mỗi tháng 01 lần; 100% huyện, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kế hoạch - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống mua bán người; 50% các huyện, thành phố triển khai thực hiện được các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng chống mại dâm. 

T. H