Từ người nghiện ma túy trở thành công dân có ích cho xã hội Ngày đăng: 02/05/2019
Lâu nay, có nhiều người cho rằng đã nghiện ma túy thì không thể cai được và người nghiện phải sống chung với ma túy suốt đời. Quả thực cai nghiện, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy là một việc vô cùng khó khăn, nhưng nếu có quyết tâm, nghị lực cùng với những nỗ lực can thiệp, giúp đỡ của các cơ quan chức năng và sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng, người nghiện hoàn toàn có thể từ bỏ được ma túy. Minh chứng thực tế cho thấy trong cuộc sống cũng có không ít những tấm gương cai nghiện thành công. Anh Phạm Văn Hoằng ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là một trong những tấm gương tiêu biểu đó, từ một người nghiện ma túy thâm niên 12 năm, giờ đây anh đã trở thành công dân có ích cho cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động xã hội giúp đỡ những người từng cùng cảnh ngộ như mình.

Sinh năm 1965, khi đã lập gia đình và có 2 con, cuộc sống vẫn còn nghèo khó, anh Hoằng quyết định lên Mộc Châu làm ăn, nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuổi trẻ chưa ý thức được sự nguy hiểm của thuốc phiện, tiếp xúc với người nghiện hằng ngày, trước những lời mời mọc, anh Hoằng đã sa lầy vào con đường nghiện lúc nào không hay.

 “Hút thuốc trên bàn đèn ngày vài lần đã quen, lúc cai khó chịu, nhớ lắm, rồi hễ cứ nhìn thấy người nghiện, hoặc nằm nghiêng thì nhớ bàn đèn mà nằm ngửa thì nhớ từng cái đòn tay một, nó ghi vào bộ nhớ ác lắm, day dứt lắm, cứ lúc nào vật, thèm là phải đi tắm cho tỉnh táo lại thôi”. Anh Hoằng nhớ lại cảm giác trong lần đầu cai nghiện. Cảm giác đó khiến người đàn ông này sau khi đi cai về vẫn không thể từ bỏ được ma túy, bỏ sức lao động ra để kiếm tiền, song kiếm được bao nhiêu anh lại dốc hết số tiền đó vào thuốc phiện.

Chỉ khi thực sự nhìn thấy vợ mình, các con mình khổ quá, anh mới nghĩ lại và quyết tâm từ bỏ thêm một lần nữa. Mỗi một người cai nghiện thành công đều có một cách riêng, một bí quyết riêng, còn đối với anh Hoằng, để thành công ngoài sự quyết tâm của bản thân thì gia đình chính là điều quan trọng khiến anh nhìn nhận lại và thay đổi. “Nói chung thuốc chỉ là hỗ trợ thôi, còn phải tự mình, người nào không kiên trì thì thuốc cũng chả làm gì được, bỏ nó là do mình, và ở người vợ nữa, cái này cũng quan trọng lắm, người ta hiểu và chia sẻ với mình, biết động viên mình, rồi nghĩ đến các con nó khổ quá, hoàn cảnh nhà nghèo, mưa xuống là dột nát, thương vợ thương con thì mình cố mà bỏ thôi”. Ánh mắt và giọng nói của anh không khỏi xúc động như thầm cảm ơn chính gia đình, chính người vợ là nguồn động lực to lớn để giúp anh cai nghiện thành công.

Trở về cuộc sống thường ngày, anh Hoằng làm lại cuộc đời bằng việc phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng anh đầu tư nuôi vịt đẻ trứng và làm nông nghiệp trên diện tích 4 sào Hợp tác xã giao. Với quyết tâm làm giàu trên quê hương, anh tiếp tục đầu tư mua thiết bị tập trung làm nghề sản xuất bánh dày. Nhờ tu chí làm ăn, hiện nay thu nhập bình quân mỗi tháng 11 đến 12 triệu đồng, kinh tế gia đình anh ngày một phát triển, cuộc sống hạnh phúc.

Không chỉ là một người làm kinh tế tiêu biểu của xã, anh Hoằng còn là công dân gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào của địa phương nhất là phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy. Quyết tâm, nghị lực của anh đã khiến mọi người quý mến, ủng hộ, anh Hoằng trở thành tấm gương để những con người lỡ sa chân vào con đường nghiện ma túy có thêm quyết tâm cai nghiện. Cuối năm 1996 sau thời gian cai nghiện thành công, anh được Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thường Tín mời tham gia đội công tác cấp phát bơm kim tiêm và bao cao su theo Đề án phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Trong 4 năm tham gia hoạt động, anh Hoằng nhiệt tình trong công tác, giúp nhiều người tránh khỏi hiểm họa nhiễm HIV từ việc tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Anh kể: “Hồi tham gia công tác ấy, những tụ điểm nào họ hay chích thì mình phân phát bơm kim tiêm rồi tuyên truyền, chia sẻ những gì mình đã trải nghiệm qua, động viên họ tự cố gắng thôi chứ không thể dựa vào ai được, đến điếu thuốc lá bình thường còn khó bỏ thì nghiện ma túy còn khó hơn”.

Từ một người nghiện ma túy lâu năm giờ đã cai nghiện hòa nhập cộng đồng, anh Hoằng luôn phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Năm 2015, anh Hoằng tiếp tục tham gia làm tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện của xã. Thời gian tham gia hoạt động của Đội, anh đã vận động, tuyên truyền nhiều người nghiện đi cai nghiện, động viên, giúp đỡ để người sau cai nghiện ma túy không tái nghiện: “Ai đi cai về là mình phải tiếp cận nói chuyện, chia sẻ với họ, quan trọng là động viên tinh thần để họ vực dậy, có niềm tin trong cuộc sống”. Giúp đỡ mọi người cũng chính là minh chứng cho quyết tâm làm lại cuộc đời của anh.

Cai nghiện thành công sau 12 năm nghiện ma túy, trở thành người công dân có ích cho cộng đồng xã hội, anh Hoằng thực sự là tấm gương sáng để những người từng một thời lầm lỡ học tập, là động lực giúp họ nhận ra giá trị thực của cuộc sống.

Hà Yến- Chi cục PCTNXH Hà Nội